Đề xuất quy định tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với hoạt động nghề nghiệp:

Hài hòa quyền và lợi ích của nhà giáo

GD&TĐ - GV, chuyên gia, ĐBQH tán thành với đề xuất của dự thảo Luật Nhà giáo về quy định tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với hoạt động nghề nghiệp.

Cô - trò Trường Mầm non Đoàn Thị Điểm (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG
Cô - trò Trường Mầm non Đoàn Thị Điểm (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG

Phù hợp thực tiễn

Trao đổi về đề xuất trên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi.

Dự thảo luật cũng đề xuất, nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện.

Khi thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư. Chính sách nghỉ hưu được thiết kế riêng nhằm đáp ứng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm nhà giáo.

Hơn 20 năm trong nghề, cô Lê Thị Thu Hằng - giáo viên Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình, Hòa Bình) trải lòng, trong suốt quá trình làm việc, cô và đồng nghiệp phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ. Do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao độ trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn.

“Mong rằng, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt để có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”, cô Lê Thị Thu Hằng bày tỏ.

Đề xuất, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi, cô Bùi Thị Tiện - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình) viện dẫn, theo Chương trình giáo dục mầm non mới, yêu cầu giáo viên phải biết ứng dụng công nghệ thông tin, có năng lực ngoại ngữ và nhanh nhạy trong xử lý các tình huống đột xuất với trẻ. Với giáo viên lớn tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn để đáp ứng các tiêu chí trên.

Hơn nữa, những môn năng khiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật... đòi hỏi giáo viên mầm non phải mềm dẻo, chuyên môn ngày càng cao. Riêng với tiêu chí này, giáo viên lớn tuổi sẽ khó có thể đáp ứng được. “Vì thế, việc giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi hoặc như dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất hoàn toàn phù hợp thực tiễn khách quan”, cô Tiện nêu quan điểm.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu được tăng dần theo lộ trình đến mức nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi đối với mọi đối tượng lao động chịu tác động trong bộ luật này.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) trao đổi, một số ngành nghề đặc thù, trong đó có giáo viên mầm non đòi hỏi sức khỏe tốt để đảm bảo thực hiện công việc. Công nhân lao động làm việc nặng nhọc dẫn đến việc giảm sút sức lao động, từ đó năng suất lao động giảm, không đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, với những ngành nghề lao động nặng hay lao động đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhanh nhạy, đa số người lao động không thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu mà sẽ phải nghỉ hưu trước tuổi, từ đó không được hưởng lương hưu mức tối đa theo quy định. Do đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị, giảm độ tuổi nghỉ hưu giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non như dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất.

hai-hoa-quyen-va-loi-ich-cua-nha-giao-1.jpg
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện. Ảnh: ITN

Thu hút nhân tài

Đề cập đến chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trao đổi, cần có cơ chế mở nhằm phát huy khả năng làm việc của những người đủ sức khỏe, năng lực và mong muốn tiếp tục cống hiến.

“Chúng ta đang “chiêu hiền đãi sĩ”, vì vậy việc trọng dụng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là cần thiết. Đây cũng là giải pháp chống “chảy máu chất xám””, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nêu vấn đề.

Hiện, số lượng giáo sư, phó giáo sư còn khiêm tốn với nhiều ngành/ lĩnh vực, nhất là khoa học cơ bản. Trong khi nhiều giáo sư, phó giáo sư dù hết tuổi lao động, được nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, minh mẫn để tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu, dẫn dắt các nhà khoa học trẻ.

Tuy nhiên, vì quy định liên quan đến tuổi nghỉ hưu nên họ phải gác lại đam mê. Nếu muốn tiếp tục làm việc phải chuyển ra các đơn vị ngoài công lập hoặc cộng tác với tổ chức nước ngoài; vô hình trung dẫn đến chảy máu chất xám, lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tinh hoa.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho hay, chính sách về tuổi nghỉ hưu thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước với người lao động. Song, làm sao để chính sách này được thực hiện hợp lý, hài hòa giữa quyền, lợi ích của người lao động với đơn vị sử dụng, nhất là các giáo sư, phó giáo sư.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín cao, lực lượng lao động đặc thù. Vì thế, kéo dài thời gian làm việc đối với đội ngũ này khi đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam và cần được luật hóa trong Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, chính sách này nên áp dụng linh hoạt dựa trên nhu cầu cá nhân và đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ