“Cách đặt tên này mắc lỗi nặng là kỳ thị, nhẹ là định kiến”, ông Sơn nói. Ủy ban Dân tộc vừa có văn bản đề nghị Bộ TT-TT-DL xử lý kênh này theo quy định của pháp luật.
Theo ông Sơn, có nhiều kiểu biểu hiện khác nhau của định kiến với các dân tộc thiểu số. Như người dân tộc thiểu số bị “dán nhãn” là người phong tục lạc hậu, ăn mặc dị hợm chẳng giống ai, kỹ thuật canh tác, phương tiện đi lại thô sơ. Họ cũng bị “dán nhãn” hay uống rượu, không quan tâm đến con cái, gia đình; quan hệ tình dục bừa bãi; cả tin, dễ bị lừa, đồng thời cũng lừa lọc người khác.
Trên A Hy TV, các tiểu phẩm có lượt xem rất cao, đều xoay quanh nhân vật chính nam A Hy với những tính cách như bủn xỉn, hay đánh vợ, nát rượu… Tên của các tiểu phẩm cũng nhấn mạnh anh này là người dân tộc thiểu số, tuy nhiên được gọi một cách rút gọn thiếu tôn trọng là “tộc”. Văn bản của Ủy ban Dân tộc nêu rõ các tiểu phẩm gây rạn nứt đại đoàn kết dân tộc này như: Tộc bán đào tết lừa Kinh, Tộc lừa Kinh bán thịt lợn ôi và cái kết… “Cộng với cái tên kênh, đây rõ ràng là giễu nhại người dân tộc thiểu số, “dán nhãn” họ một cách có hệ thống”, ông Sơn nói.
Không chỉ có kênh A Hy TV có những video với cách phát triển kịch bản dựa trên kỳ thị tộc người như vậy. Hiện tại, dù đã ẩn hết các video trên kênh YouTube, A Hy TV vẫn còn các video trên Facebook cùng tên. Các video trên Facebook A Hy TV còn có logo để dẫn tiếp người xem sang kênh YouTube Mường Thanh TV. Tại Mường Thanh TV, các tiểu phẩm của nhóm hài này vẫn đang tiếp tục phát. Trong văn bản của Ủy ban Dân tộc hiện chưa nhắc tới các “chân rết” của A Hy TV.
Kênh hài Trung Ruồi TV trên YouTube cũng có những tiểu phẩm kỳ thị người dân tộc thiểu số không kém. Chẳng hạn, trong chuỗi tiểu phẩm về A Lử, nhân vật này được khắc họa ăn nhiều, ăn tục, ăn cả viên băng phiến trong buồng vệ sinh...
Những con rắn nhiều đầu “hài dân tộc” này cho thấy sự thiếu văn hóa của những người làm chương trình. Những view mà dòng hài này kiếm được vừa chứng tỏ thị hiếu thấp kém của những người hâm mộ, đồng thời làm tổn thương các dân tộc ít người. “Bị định kiến nhiều họ sẽ cảm thấy rất ngại tiếp xúc. Đặc biệt là khi giao tiếp với người Kinh, người ta sẽ cảm thấy họ thấp kém. Theo Hiến pháp, họ cũng có quyền bình đẳng với mọi dân tộc khác. Hơn thế nữa, họ cũng là những người rất quan trọng, là đồng bào đang sống ở những vùng biên giới - phên dậu của Tổ quốc này”, ông Sơn nói.