Hai cha con bền bỉ 'kể chuyện sơn mài' hơn nửa thế kỷ

GD&TĐ - Hai cha con họa sĩ cùng dùng chất liệu sơn mài truyền thống bền bỉ kể chuyện trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Tranh sơn mài 'Lớp học trong hang' (1990) của Trần Tuấn Lân. Ảnh chụp lại.
Tranh sơn mài 'Lớp học trong hang' (1990) của Trần Tuấn Lân. Ảnh chụp lại.

Cha xoay sáo, cầm cọ. Con đăm đắm gìn giữ chất liệu sơn ta… Người cha ấy là Trần Tuấn Lân và người con là Trần Tuấn Long. Họ đang cùng hòa nhịp trong không gian chung của triển lãm “Cha & con” rất đỗi thân thuộc và cảm động…, từ 26 - 31/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhạc công cầm cọ

Cố họa sĩ Trần Tuấn Lân. Ảnh: NVCC.

Cố họa sĩ Trần Tuấn Lân. Ảnh: NVCC.

Năm 2010, họa sĩ Trần Tuấn Lân về miền thiên cổ ở tuổi 77. Và, sau 13 năm vắng bóng, trong những ngày Thu cuối tháng 10, công chúng được “gặp” lại ông, để cùng nhớ về người nhạc công cầm cọ mà không kém phần tài hoa.

Đó là một Trần Tuấn Lân có tác phẩm “Bến phà Tiên Yên” (bột màu) được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng một số tranh nằm trong sưu tập tư nhân ở Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ…

Không chỉ thế, họa sĩ này còn được nhận tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1996 với tác phẩm “Mỏ than Mạo Khê”, năm 2003 với tác phẩm “Trận chiến 5/8”, giải Nhất văn nghệ Hạ Long 1996 - 2000 với tác phẩm “Truyền thống Bạch Đằng”.

Năm 1994, ông có triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội; năm 2023 triển lãm cá nhân tại Bảo tàng huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) nhân tròn tuổi 70…

Đến triển lãm “Cha & con” này, công chúng được dịp thưởng lãm khoảng 30 tác phẩm trong “gia tài” hơn 60 bức tranh sơn mài được họa sĩ Trần Tuấn Lân sáng tạo trong suốt mấy mươi năm lao động nghệ thuật của mình.

Nét cọ của họa sĩ dẫn bước mọi người trở về những năm tháng xưa, có khi là bức vẽ được thực hiện từ cuối những năm 80, 90 của thế kỷ trước như “Chuyển thóc về kho” (1985), “Giã gạo” (1988), “Lớp học trong hang” (1990), “Vịnh Hạ Long” (1991), “Dệt vải” (1995), “Mỏ than Mạo Khê” (1996), “Cô gái Lào” (1997), “Truyền thống Bạch Đằng” (1998)…

Cũng có khi là tác phẩm được ông sáng tác khi đã gần bước sang U80 như: “Khu kháng chiến Sầm Nưa” (2000), “Trận chiến 5/8” và “Tuần Châu” (2003)…

Họa sĩ Trần Tuấn Long. Ảnh: NVCC.

Họa sĩ Trần Tuấn Long. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, một số phác thảo chì và màu nước chân dung, phong cảnh được ông ghi lại từ nơi biển cả đến chiến trường C (Lào) như: “Bà mẹ bản Mường Ngà”, “Noọng Khét Mường Ngà” và “Nghỉ chân” (1967); “Cầu Mường Ngà” (1968); “Tầu đánh cá Việt - Đức, bến cảng Cửa Việt”, “Buộc phao lưới” (1971)… cũng hiện diện tại triển lãm.

Khi viết những dòng tưởng nhớ về thế hệ trước, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ niềm kính nể về một Trần Tuấn Lân dấn thân với “những bước chân chưa từng biết mỏi trên mọi nẻo đường. Từ quê hương đất nước mình đến chiến trường C của nước bạn Lào anh em trong những năm tháng gian khổ và khốc liệt của cuộc chiến…”.

Từ đó: “Ông thả nét, cầm giữ những rung cảm trong giây khắc khi mắt nhìn tay vẽ, hóa thạch dung nhan con người và cảnh sắc ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn trân trọng bình.

Quả vậy, để có một họa sĩ Trần Tuấn Lân như người đời nay được thấy là cả một cuộc rẽ lối đầy mạnh bạo và vô cùng… lãng mạn. Con trai ông - họa sĩ Trần Tuấn Long tiết lộ: “Cha tôi vốn là nhạc công thổi sáo tại Đoàn văn công khu Tả Ngạn.

Tranh sơn mài 'Chầu đệ nhị thượng ngàn' của Trần Tuấn Long.

Tranh sơn mài 'Chầu đệ nhị thượng ngàn' của Trần Tuấn Long.

Một lần đoàn đi diễn tại Quảng Yên (Quảng Ninh), ông gặp và yêu người con gái (sau này là mẹ tôi), nhưng không được cha người con gái ấy đồng ý vì quan niệm “văn công là xướng ca vô loài” lúc đó vẫn nặng nề.

Không bỏ cuộc, ông đã mày mò làm thân và giúp cho họa sĩ trang trí sân khấu của đoàn.

Tiếp đó, ông thi vào hệ trung cấp Trường Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau 8 năm bền bỉ “đổi nghề” như thế, cuối cùng cha tôi đã lấy được người con gái mình yêu… Đấy cũng là cơ duyên để ông đến với hội họa. Và khi nhạc công thổi sáo vẽ, tác phẩm của ông cũng có cái gì đó thật ngân nga, bay bổng…”.

Không chịu dừng bước ở trình độ trung cấp, ngay khi ở chiến trường C trở về, họa sĩ Trần Tuấn Lân lại nhập học Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trở thành giảng viên Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.

Bước rẽ lối đầy ngoạn mục, dẫu biết con đường nghệ thuật dài song “không ngại nẻo xa xăm dặm thẳm”, cuối cùng người họa sĩ này không chỉ có được bạn đời đảm đang, sắt son chung thủy, mà còn đi đến những thành công để là “người lẳng lặng níu giữ một chữ tình khiêm nhường trên nền mỹ thuật đương đại Việt”, như đánh giá của họa sĩ Lương Xuân Đoàn từ việc “nhìn lại và ngắm mãi những ký họa thuở nào cùng những tác phẩm sơn mài còn rung động mạch cảm xúc với thời gian…”.

Duyên nghề cha - con

Tranh sơn mài 'Tung khăn ngự đồng' của Trần Tuấn Long.

Tranh sơn mài 'Tung khăn ngự đồng' của Trần Tuấn Long.

Cùng với đó, ông Đoàn còn đặc biệt nhắc đến “đứa con yêu tiếp nghiệp cha” – họa sĩ Trần Tuấn Long vì “có thêm một ngữ điệu khác, đĩa màu khác cho sơn ta, sơn mài Việt trong không gian ấm áp tình cha và con xuyên thế kỷ”.

Nhận định đó không hề ưu ái khi ai cũng biết về một Trần Tuấn Long đã thành danh với nhiều giải thưởng mỹ thuật như: Giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam - ASEAN năm 2003; giải thưởng Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2000, 2003 và 2005; giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2015, giải Nhì Khu vực I Hà Nội năm 2015…; có tranh trưng bày ở nhiều triển lãm trong nước và quốc tế cũng như có tác phẩm được lưu giữ trong bộ sưu tập tư nhân, gallery tại Đài Loan, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thế nhưng, ở triển lãm “Cha & con” này, Trần Tuấn Long chỉ khiêm nhường đứng bên cha với 7 tác phẩm sơn mài để cùng hòa nhịp bằng một gương mặt riêng, tiếng nói riêng của sáng tạo trẻ hôm nay. Và, nếu cha Trần Tuấn Lân kể chuyện ký ức của một thời thì con Trần Tuấn Long kể chuyện về đạo Mẫu với những: “Đông A hiền thánh”, “Ban lộc”, “Chầu đệ nhị thượng ngàn”, “Tung khăn ngự đồng”…

Thực ra, Trần Tuấn Long vẽ rất nhiều chủ đề, đề tài nhưng đặc biệt nhất, và cũng là chủ đề xuyên suốt trong quá trình sáng tác của anh là vẽ về tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với những nghi lễ, lễ hội dân gian cổ truyền của người Việt.

Dù có lợi thế về sự kiện, trang phục, cách bài trí… của các vấn hầu được diễn ra tại nhiều đền, phủ đẹp về tạo hình và rất thuần Việt nhưng để lột tả được tinh thần, sắc diện, cái tính thiêng của các nhân vật ở chủ đề này là điều không dễ.

Bởi vậy, để mỗi hình khối trong tranh có được thần thái quyến rũ từ nét vẽ mềm mại đến mảng màu thẳm sâu, anh Long phải dành nhiều thời gian trải nghiệm thực tế, nắm được cái hay, cái đẹp và đặc biệt là tinh thần, sắc thái của các vấn hầu…

Tranh sơn mài 'Khu kháng chiến Sầm Nưa' (2000) của Trần Tuấn Lân. Ảnh chụp lại.

Tranh sơn mài 'Khu kháng chiến Sầm Nưa' (2000) của Trần Tuấn Lân. Ảnh chụp lại.

“Tôi đến với hội họa từ nhỏ. Mẹ tôi vẫn kể, mới 5, 6 tuổi cứ lân la bên cạnh cha lúc ông làm việc và được ông “tạo điều kiện” cho nghịch giấy bút. Tôi cứ thế làm quen và… “nghịch” đến giờ. Cũng bởi thế mà tôi học được từ cha đức tính cần cù, chịu khó, không nản chí cùng thái độ tìm tòi, khám phá, thể nghiệm đi tới cùng trong sáng tạo.

Và tất nhiên rằng, niềm đam mê chất liệu sơn mài truyền thống trong tôi là chịu ảnh hưởng từ cha. Khi đã bước vào nghề, việc chọn chất liệu sơn mài bằng sơn ta là một quyết tâm, đam mê, khát khao, nung nấu từ ngày tôi học xong phổ thông và bước vào thi đại học. Nó như cơ duyên cùng với thử thách của số phận vậy…”, họa sĩ Trần Tuấn Long tâm huyết chia sẻ.

“Trước đây nhà cửa chật chội, gia đình tôi không có điều kiện giữ gìn tranh của cha nên cất chúng ở bất kỳ chỗ nào trống (gầm giường, gầm tủ, gác xép…). Số bị bong tróc, sứt sẹo rất nhiều.

Năm 2010, ông đi xa. Năm sau vào giỗ đầu của ông, có nhà sưu tập quen biết và hay mua tranh của tôi, nghe tôi nói chuyện có bố mình như thế đã đến xem và mua toàn bộ.

Những tấm bị sứt sẹo, bong tróc được anh ấy mang đi phục chế để hôm nay mới có dịp “trở lại” với công chúng tại triển lãm này. Đây cũng là nén hương trầm gia đình, đồng nghiệp, bè bạn tưởng nhớ về ông – họa sĩ Trần Tuấn Lân - nhân 90 năm sinh (1933 - 2023)”. Họa sĩ Trần Tuấn Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ