Cuộc thi “An toàn không gian mạng toàn cầu” (Whitehat grand prix 2018) có sự quan tâm sâu rộng từ cộng đồng an ninh mạng trong nước và quốc tế. Điều đó cho thấy mức độ “nóng” như thế nào trong sự phối hợp của cộng đồng nếu xảy ra các sự cố về an ninh mạng, thưa ông?
Qua các năm tổ chức cuộc thi an ninh mạng quốc tế “WhiteHat grand prix” luôn thu hút số lượng lớn các đội tham dự. Cụ thể, WhiteHat grand prix 2017 thu hút gần 500 đội tham gia, trong đó có nhiều đội thuộc Top 10 CTFTime (website xếp hạng các cuộc thi an ninh mạng toàn cầu) như Dcua (Ukraina), 217 (Đài Loan), Dragon Sector (Ba Lan)…
Các đội ở Việt Nam có: CLGTftMeePwn, ACEBEAR, ISITDTU, NightSt0rmX… Chúng tôi tin rằng, năm nay số lượng và chất lượng của các đội tham dự sẽ tăng lên nhiều, bởi đây là lần đầu tiên một cuộc thi an toàn không gian mạng quy mô toàn cầu được tổ chức và thi đấu trực tiếp tại Việt Nam, một cuộc thi công nghệ hiếm hoi mà Việt Nam chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu, từ tổ chức đến ra đề.
Với tình hình an ninh mạng hiện nay, việc phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn khi xảy ra sự cố trong thực tế.
Trong thời gian vừa qua, sự kết hợp trong cộng đồng các đội an ninh mạng (đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam) khi cùng xử lý sự cố an ninh mạng, có gì đáng chú ý? Ở góc độ chuyên gia về an ninh mạng, ông có nhận xét gì về những bài học mà cộng đồng các chuyên gia an toàn thông tin của Việt Nam cần rút ra, về ý thức và cách thức giải quyết các sự cố, nhằm đảm bảo an ninh không gian mạng chung của quốc gia?
Ở Việt Nam, an ninh mạng là vấn đề mới và nhiều thách thức. Do đó, nguồn nhân lực cần liên tục được thực hành, cọ xát với thực tiễn để có thể đáp ứng trước những thay đổi về công nghệ và những nguy cơ, rủi ro mất an toàn thông tin không ngừng phát sinh. Một trong những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh thông tin là thông qua các cuộc thi về chuyên môn.
Ngoài ra, bên cạnh sự chuẩn bị tốt về nhân lực, trang thiết bị thì việc điều phối ứng phó an ninh mạng cũng là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta có con người, có thiết bị an ninh mạng nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố mà không huy động các nguồn lực đó và không có kịch bản để ứng phó thì toàn bộ hệ thống về con người, thiết bị đó đều không có giá trị. Theo tôi, cần thường xuyên tổ chức diễn tập với kịch bản cụ thể về phương án ứng cứu sự cố an ninh mạng, giống như các cuộc diễn tập về cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy, phải diễn tập định kỳ, thường niên.
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav |
Được biết, có 18 truyền thuyết của người Việt sẽ được đưa vào các nội dung cuộc thi “Whitehat grand prix 2018”. Các truyền thuyết này được Ban tổ chức lựa chọn, tham vấn cơ quan quản lý về lĩnh vực văn hóa như thế nào, để đảm bảo giới thiệu ra cộng đồng an ninh mạng thế giới những nội dung văn hóa mang đậm dấu ấn Việt, đảm bảo yếu tố tôn vinh văn hóa Việt, thưa ông?
Bạn cũng biết, WhiteHat Grand Prix 2018 do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp cùng Diễn đàn WhiteHat.vn tổ chức. Bộ Thông tin và Truyền thông rất chú trọng đến nội dung của các truyền thuyết mà Ban tổ chức định đưa vào trong mỗi đề thi.
Đây là cơ hội để quảng bá một Việt Nam mến khách, giàu văn hóa đến bạn bè khắp năm châu. Vì vậy, để quảng bá đúng, Cục ATTT sẽ tham vấn ý kiến của các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan của Bộ VH-TT&DL trong việc lựa chọn các hình ảnh, truyền thuyết của Việt Nam sẽ đưa vào trong WhiteHat Grand Prix 2018 để quảng bá đến bạn bè quốc tế.
Những cuộc thi an ninh mạng đang được tổ chức ngày càng nhiều. Theo ông, điều này mang lại mục đích gì cho tình hình và xu hướng bảo vệ an toàn không gian mạng tại Việt Nam?
Theo tôi, các cuộc thi này đều nhằm thúc đẩy phong trào thực hành an toàn an ninh thông tin tại Việt Nam đi lên. Nếu như năm 2013 chỉ có duy nhất “WhiteHat” bắt đầu tổ chức cuộc thi CTF thì năm 2014 đã bắt đầu có các cuộc thi từ các đơn vị khác như SVATTT của VNISA, các cuộc thi tăng dần theo các năm. Năm 2017 đã có 17 cuộc thi CTF lớn nhỏ tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại của năm 2018 đã có 10 cuộc thi được tổ chức. Các cuộc thi như thế sẽ gắn kết đội ngũ an toàn thông tin mạng trong nước, khuyến khích phong trào học tập, nghiên cứu nói chung của các trường đại học, nâng cao trình độ, năng lực an toàn an ninh thông tin của quốc gia.
Qua các năm, cuộc thi an ninh mạng đều mở rộng về phạm vi, quy mô, số lượng đội tham dự, luôn thu hút sự tham gia của những đội chơi dẫn đầu bảng xếp hạng an ninh mạng uy tín trên khắp thế giới. Điều này đã khẳng định uy tín của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực an toàn an ninh thông tin.
Xin cảm ơn ông!