Điều này, gây mất trật tự ATGT, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nhất là khi toàn tỉnh đang ra sức phòng, chống dịch Covid -19 thì khu vực chợ này nhiều tiểu thương không đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K của Bộ Y tế.
Năm 2015, thị xã Kỳ Anh chính thức xóa bỏ chợ huyện Kỳ Anh cũ và chợ xép phường Sông Trí (nay phường Hưng Trí) để đưa bà con tiểu thương vào kinh doanh, mua – bán ở chợ mới. Nhưng đến nay, chợ xép phường Hưng Trí vẫn họp tự phát và đang có xu hướng ngày càng rầm rộ, đông đúc thêm.
Hằng ngày, một số người buôn bán lấn đường giao thông, tụ tập họp chợ ngay bên lề đường quốc lộ 1A. Thậm chí đặt biển quảng cáo, dựng dù bạt, buôn bán trên các xe lưu động với đủ các mặt hàng hóa, lương thực, thực phẩm…
Nhiều khách hàng đến chợ, đỗ xe máy, ô tô dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Bên cạnh đó, những người buôn bán còn "tiện tay" xả rác, nước thải ra lòng đường, bốc mùi hôi tanh tạo, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị.
Thực tế, chợ mới thị xã Kỳ Anh đã đi vào hoạt động ổn định nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều ki ốt trống. Người dân đi chợ lại ít vào khu vực chợ chính, chủ yếu mua hàng ở chợ xép cho nhanh, điều này khiến chợ chính đã “ế ẩm’ lâu nay giờ càng vắng khách hơn.
Tra đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Đình Tài - chủ tịch UBND phường Hưng Trí thừa nhận, có hiện tượng chợ xép tự phát lâu nay tại địa bàn nhưng chưa dẹp bỏ được. Ngoài tiểu thương có các ki ốt bán hàng trong nhà, còn nhiều người dân ở địa bàn khác đến sử dụng hành lang đường để họp chợ.
Chính quyền phường thường xuyên thành lập các đoàn đi kiểm tra, xử lý, nhưng dẹp được hôm nay thì ngày mai người dân lại tái diễn, vì vậy đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
"Để triệt để tình trạng họp chợ tự phát tại tổ dân phố Châu Phố, phường Sông Trí còn gặp nhiều khó khăn vì động chạm đến miếng cơm, manh áo của họ. Chính quyền thường xuyên vận động tuyên truyền nhưng họ không đồng thuận" - ông Tài nói.
Ông Nguyễn Hoài Sơn - chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thông tin, sau khi dẹp chợ cũ Kỳ Anh, đất được sử dụng làm công việc. Quanh khu vực chợ cũ có nhiều nhà dân họ làm ki ốt kinh doanh, nên những người khác cũng kéo đến khu vực lân cận đó để buôn bán.
"Vừa qua, thị xã Kỳ Anh đã giao phường Hưng Trí và lực lượng trật tự đô thị để kiểm tra, dẹp bỏ những người lấn chiếm lòng, lề đường kinh doanh. Tuy nhiên, do ở đó nhiều hộ kinh doanh ngay trong nhà ở của mình nên việc xử lý gặp khó khăn, mà chỉ tập trung xử lý người dân bán hàng tươi sống, lấn chiếm vỉa hẻ, đường giao thông và những người vãng lai từ những nơi khác đến buôn bán” – ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Hoài Sơn cũng khẳng định: “Thời gian qua chính quyền thị xã Kỳ Anh cũng đã rất quyết liệt trong xử lý việc họp chợ ở tổ dân phố Châu Phố, phường Hưng Trí quanh khu vực chợ cũ trước đây. Nếu về lâu dài, người dân vẫn tiếp tục tụ tập họp chợ, thì chúng tôi sẽ có biện pháp cưỡng chế”.
Thực tế, chợ xép phường Hưng Trí vẫn cứ tấp nập người buôn bán, có chăng dẹp trật tự được ngày hôm nay, ngày mai tiểu thương lại tái diễn, thậm chí xử lý buổi sáng, buổi trưa lại tụ tập. Việc xử lý chợ xép tại phường của chính quyền thị xã Kỳ Anh như đang “bắt cóc bỏ đĩa”.