Dự kiến, trong tuần này, Bộ GTVT sẽ cho tháo dỡ.
500 triệu đồng cho việc tháo dỡ
Trạm thu phí BOT Cầu Rác do Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư đã dừng thu phí được 2 năm. Theo quy định, để tháo dỡ trạm thu phí này phải chuyển toàn bộ tài sản của trạm sang Nhà nước quản lý. Khi hoàn tất các thủ tục, Bộ GTVT mới có cơ sở để giao các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu thực hiện giải phóng trao trả lại mặt bằng.
Theo Tổng cục Đường bộ, trong các hợp đồng BOT trước đây, khi xây dựng hợp đồng không có chủ trương dừng thu phí. Tuy nhiên, khi chuyển sang thực hiện Luật Đường bộ, đặc biệt là các Nghị định liên quan việc giảm phí chồng phí, khi tạm dừng trạm thu phí và chuyển giao cho cơ quan Nhà nước thì đơn vị thuộc phẩm quyền sẽ có trách nhiệm tháo dỡ.
Sáng 8/7, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Xuân Ảnh - Phó Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT cho biết: Đối với trạm thu phí BOT Cầu Rác, phía Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã hoàn tất các thủ tục để trình sang Bộ Tài chính xin chuyển tài sản doanh nghiệp sang Nhà nước quản lý, về chủ trương Bộ đã đồng ý. Về báo cáo kinh tế chi tiết phía Bộ GTVT đã đồng ý.
“Tuy nhiên, khi Bộ ký vào văn bản đề xuất, chúng tôi sẽ cho triển khai ngay việc tháo dỡ trạm Cầu Rác, nhanh nhất trong tuần này. Vì kinh phí tháo dự kiến trước đó là 3,3 tỷ đồng nay xuống còn 500 triệu đồng nên Bộ sẽ chỉ định thầu” – ông Ảnh nói cho hay.
Liên tiếp xảy ra tai nạn
Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) có chiều dài khoảng 16 km, đưa vào khai thác từ tháng 1/2009. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty TNHH Một thành viên hạ tầng Sông Đà (Tổng Công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư.
Trạm thu phí Cầu Rác đặt trên Quốc lộ 1A (thuộc địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cách tuyến đường này hơn 30 km, được ngành chức năng cho phép chủ đầu tư sử dụng để tiến hành thu phí hoàn vốn cho công trình này.
Năm 2016, người dân ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh nhiều lần dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để phản đối việc trạm thu phí đặt không đúng chỗ, khiến họ “cõng phí” mua vé qua trạm dù không đi mét đường BOT nào. Đến ngày 27/4/2017, các phương tiện của người dân có hộ khẩu ở 2 huyện nói trên mới được miễn phí qua trạm.
Từ ngày 21/2/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác tạm dừng thu phí, để có cơ sở tính toán và chốt phương án tài chính của dự án. Kể từ đó đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng trạm thu phí Cầu Rác vẫn nằm án ngữ trên quốc lộ khiến nhiều người bất bình.
Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, mặc dù chủ đầu tư đã lắp đặt biển cảnh báo hạn chế tốc độ nhằm bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí Cầu Rác, nhưng có rất ít phương tiện chấp hành khi lưu thông qua đây. Các loại phương tiện vận tải thậm chí còn tự do chạy sang bên làn đường dành cho xe máy, khiến giao thông qua đây rất hỗn loạn.
Tài xế Nguyễn Đức Cường (quê ở Thanh Hóa) là người thường xuyên lái xe tải chở hàng lưu thông qua lại trạm thu phí Cầu Rác cho biết: “Trạm thu phí này đã dừng hoạt động nhưng vẫn có rất nhiều tài xế nhầm tưởng phải dừng lại mua vé nên hãm phanh giảm tốc đột ngột, gây nguy hiểm cho các phương tiện chạy phía sau. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh như vậy”.
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Đội trưởng Đội CSGT khu vực phía Nam (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh), khẳng định việc trạm thu phí Cầu Rác chưa được tháo dỡ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
“Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế điều khiển xe ô tô không làm chủ tốc độ nên tự đâm vào trạm thu phí, gây hư hỏng phương tiện. Nguy hiểm hơn là tại đây không lắp đặt đèn cảnh báo vào ban đêm”, Trung tá Mạnh nói.
Trước đó, vào lúc 0 giờ 30 sáng 28/4, anh Nguyễn Xuân Trường (SN 1979, trú ở Quảng Lịch, Kiến Xương, Thái Bình) điều khiển xe ô tô tải BKS 17C-105.37 lưu thông theo hướng Nam - Bắc qua trạm thu phí này thì bị mất lái đâm vào cột trụ phân làn xe.
Cú đâm mạnh khiến xe bị lật nghiêng giữa đường, phần đầu bị biến dạng, nát bét, hư hỏng hoàn toàn. Rất may tài xế Nguyễn Xuân Trường cùng 1 người trên xe chỉ bị thương nhẹ.
Mới đây, một vụ tai nạn xảy ra lúc khoảng 4 giờ 30 ngày 6/7. Thời điểm đó, tài xế Vũ Hồng Quang (SN 1974, trú tại tỉnh Hưng Yên) điều khiển chiếc xe bồn mới mua, chưa đăng ký BKS lưu thông theo hướng Bắc – Nam.
Khi đến Trạm thu phí Cầu Rác tại Km539+100 Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) thì bị mất lái nên đâm vào trụ trạm khiến buồng ngồi của người bán vé đang bỏ không bị ngả sang một bên.
Cú tông mạnh khiến phần đầu chiếc xe bị biến dạng, cầu trước bị gãy, bánh trước đâm ngang vào taluy phân làn xe bị nổ lốp. Rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ.
Tuy nhiên, trạm thu phí Cầu Rác đến nay chưa được tháo dỡ do còn phải làm thủ tục chuyển giao tài sản. “Tài sản hình thành từ dự án BOT thuộc sở hữu toàn dân nên cần phải thông qua Bộ Tài chính và Bộ GTVT để ra quyết định chuyển giao về cho Nhà nước.
Việc tháo dỡ sẽ chờ Bộ GTVT quyết định” – ông Võ Trường Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (thuộc Cục Quản lý đường bộ 2 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam).