Thiếu giáo viên do học sinh tăng
Mặc dù đã bước vào năm học mới được gần 2 tháng nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố vẫn đang đau đầu vì tình trạng thiếu giáo viên.
Đơn cử như Trường THPT Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng), năm học này cả trường chỉ có 55 giáo viên nhưng có tới 28 lớp với số lượng học sinh lên tới 1.100.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, qua rà soát, hiện nhà trường thiếu 8 giáo viên ở các bộ môn gồm: ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học và thể dục.
Cũng theo vị lãnh đạo này, nhà trường đã phải khắc phục tình trạng trên bằng cách động viên các cô giáo dạy thêm để đảm bảo công tác giảng dạy. Tuy nhiên đây cũng chỉ được coi là giải pháp tình thế vì chỉ cần một giáo viên xin nghỉ có lý do là nhà trường lại rơi vào tình trạng khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên.
Tương tự, trường THPT Nguyễn Trãi (huyện An Dương) năm học này có tới 1.400 học sinh ( tăng 100 học sinh so với năm học trước) nhưng vẫn chỉ có 64 giáo viên, thiếu tới 20 giáo viên bộ môn chủ yếu là ngữ văn, sinh học, lịch sử, địa lý, công nghệ, vật lý và hóa học.
Điều đáng nói, tuy số lớp và số học sinh đều tăng cao nhưng tổng số giáo viên được thành phố giao chỉ tiêu năm 2018 không tăng. Do đó, số giáo viên thiếu tại 40 trường THPT công lập của thành phố lên tới 145 người.
Theo Ban giám hiệu nhà trường, để khắc phục những bộ môn thiếu giáo viên, nhà trường tăng tiết đối với các giáo viên cơ hữu của trường. Thế nhưng dù có cố gắng thì mỗi giáo viên cũng chỉ dạy tăng được 8 tiết/tuần, tương đương 23 đến 24 tiết/tuần. Do đó, nhà trường buộc phải mời giáo viên thỉnh giảng từ các trường lân cận và hợp đồng với sinh viên mới ra trường cho các bộ môn thiếu giáo viên còn lại,.
Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, do sức ép từ tình trạng học sinh tăng dẫn đến nhiều trường THPT thiếu giáo viên, giáo viên giữa các bộ môn chưa cân đối, trình độ giáo viên không đồng đều, thừa cục bộ...
Bài toán loay hoay mãi chưa có lời giải
Ngay từ năm 2017, ngành giáo dục thành phố đã khắc phục tình trạng giáo viên thừa, thiếu trong các đơn vị công lập thuộc ngành bằng cách thuyên chuyển giáo viên thừa từ trường này sang trường khác. Tuy nhiên giải pháp này cũng không phải dễ dàng nên thực trạng trên vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Đơn cử, trường THPT Kiến Thụy, năm học 2018-2019, trường được bổ sung 3 giáo viên, đồng thời cũng điều chuyển đi 1 giáo viên Ngữ văn. Tuy nhiên khi điều chuyển giáo viên này đi thì cũng trong năm học này, một giáo viện dạy bộ môn Ngữ Văn về hưu dẫn đến trường lại thiếu.
Mặt khác, giáo viên dù dạy tăng tiết nhưng lại không được hưởng lương thêm giờ dẫn đến tâm lý không thoải mái. Chưa kể việc điều chuyển giáo viên về nơi làm việc xa hơn nơi sinh sống có thể gây khó khăn cho giáo viên.
Phía Sở GD&ĐT thành phố cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học, bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp…Sở đã thực hiện nhiều giải pháp như: bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp, bổ sung cán bộ quản lý theo định biên đối với các trường còn thiếu…Đồng thời, Sở cũng tính toán để việc luân chuyển làm sao để bảo đảm giáo viên không phải đi xa quá 15km so với nơi mình sinh sống.
Do đó, Sở yêu cầu các đơn vị cần làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, thuyết phục để giáo viên thuộc diện điều động hiểu và chấp hành việc phân công trước khi thực hiện điều động.
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện, nhất là tại các trường ngoại thành. Việc sắp xếp vị trí chuyển dịch số giáo viên thừa, thiếu vẫn dậm chân tại chỗ.