Trước đây, ngôi nhà ông Nguyễn Văn Cường (thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) chỉ cách bờ biển hơn 200m. Thế nhưng đến nay tình trạng sạt lở đã tiến sát nhà ông Cường. Vào mùa mưa bão, gia đình ông luôn nằm trong diện phải di dời khẩn cấp.
Mấy năm nay, ông Cường cũng phải bỏ nghề đi biển vì không thể kéo thuyền ra khơi khi tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng. Nhớ biển, nhớ nghề nhưng ông không còn cách nào khác.
“Chúng tôi không thể ra khơi vì mỗi lần đưa thuyền vào ra rất khó, phải huy động hàng chục người, nên dân phải bỏ nghề làm nghề khác. Rồi mai đây, nghề biển không khéo vì thế mà mai một đi” – ông Cường nói.
Theo phản ánh của người dân, những năm trở lại đây, tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp. Riêng trên địa bàn xã Kỳ Lợi đã có khoảng 4km bờ biển bị sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của gần 5.000 nhân khẩu. Chính quyền đã phải di dời khẩn cấp 1.080 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở.
Những hàng phi lao dọc bờ biển xã Kỳ Lợi, lâu nay đóng vai trò là đê kè chắn sóng thế nhưng đã bị sóng biển đánh bật gốc. Thực trạng xâm thực đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân từng ngày và tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời.
Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có khoảng 100km bờ biển đang bị xâm thực, xói lở nghiêm trọng, tập trung ở huyện như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… Riêng thị xã Kỳ Anh đã xây dựng đề án khẩn trương di dời người dân vùng sạt lở ra khỏi vùng xung yếu, tuy nhiên đề án này hiện vẫn chưa được phê duyệt.
Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn Hà Tĩnh vừa qua xuất hiện mưa to đến rất to, với lưu lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi đạt trên 200mm. Mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt và sạt lở đất tại các địa phương vùng núi. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai các biện pháp để sơ tán người dân ra khỏi các vùng xung yếu, sạt lở đất.
Chị Nguyễn Thị Loan (thôn Tượng Sơn, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn) kể lại: Sau một trận mưa to, gió lớn một khối lượng lớn đất đá sau đồi đã đổ sập xuống, vùi lấp một phần ngôi nhà gia đình tôi trong lúc đang ngủ.
“Đến giờ nghĩ lại vẫn còn hoảng sợ, khi đó chỉ nghe được một tiếng ầm, cả mấy mẹ con không kịp trở tay, trong tích tắc bùn đất phủ lấp cả người lẫn đồ vật trong nhà. Ơn trời, vợ chồng tôi đã kịp thời thoát nạn và cứu được 2 con nhỏ ra khỏi đống bùn đất” – chị Loan nhớ lại.
Ông Hồ Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, trong đợt mưa lũ này, phía huyện đã rà soát các hộ xung yếu trên địa bàn để kịp thời di dời ra khỏi vùng sạt lở, đồng thời cắt cử cán bộ đến giúp dân ổn định lại cuộc sống. Theo đó, đã xây dựng phương án di dời 245 hộ dân vùng xung yếu, yêu cầu các đơn vị ứng trực 100% nhằm đối phó kịp thời với mưa bão.
Để đảm bảo cuộc sống của người dân trong mùa mưa bão này, trước mắt tỉnh Hà Tĩnh đã cấp kinh phí để gia cố các vị trí xung yếu, bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, rất cần đến sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương trong việc bố trí kinh phí để xây dựng các tuyến đê kè và các khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở.