Nâng chất lượng bữa ăn
Sau vụ việc phát hiện thực phẩm bẩn tại bếp ăn trong trường bán trú tại tỉnh Bắc Ninh gây bất an trong dư luận, ngành GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phòng giáo dục, nhà trường siết chặt công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vấn đề ATVSTP trong các bếp ăn bán trú trường học đang là mối quan tâm lớn của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học có bếp ăn bán trú phải đảm bảo ATVSTP, nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.
Trong năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) có 309 cháu ăn bán trú tại trường. Để đảm bảo cho bữa ăn của trẻ, nhà trường đã ký hợp đồng với 6 cô nuôi có trình độ nấu ăn từ trung cấp trở lên. Nguồn thực phẩm cũng được lựa chọn kỹ từ những nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận đảm bảo ATVSTP.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Huy Tập Lê Thị Hiền chia sẻ: Xác định là những người thay bố mẹ chăm sóc các cháu ở trường nên chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng và ATVSTP trong bữa ăn của học sinh. Từ việc lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu đến sơ chế biến đều phải bảo đảm ATVSTP, thực phẩm luôn tươi mới. Bên cạnh đó, các cô và hội phụ huynh còn tự trồng rau sạch ngay trong khuôn viên trường để phục vụ bữa ăn hàng ngày của trẻ.
“Ngoài lấy thực phẩm có nguồn gốc, thì việc sử dụng đầu bếp tại trường học có chuyên môn, có tâm là điều vô cùng cần thiết. Nhiều lúc, quá trình vận chuyển, bảo quản không đúng cách, dẫn đến thực phẩm như cá, rau, củ quả đã hỏng, nhưng nếu đầu bếp có kinh nghiệm, có tâm sẽ ngay lập tức bỏ nó đi thay vì nấu lên cho trẻ ăn”, cô Hiền nói.
Tại Hà Tĩnh, thực đơn cả tuần tại các trường học có bếp ăn bán trú luôn được công khai tại bảng tin trước cổng trường để phụ huynh theo dõi. Các đơn vị cung cấp thực phẩm đều do trường phối hợp Ban đại diện phụ huynh lựa chọn... Bếp ăn bán trú được thiết kế hợp lý, sạch sẽ, khô thoáng. Các vật dụng, bát, đũa được sấy nóng trước khi sử dụng; việc sơ chế, chế biến thức ăn và lưu giữ mẫu thức ăn hàng ngày được thực hiện đúng quy định.
|
Tăng cường kiểm soát
Cô Lưu Thị Phương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Việc đảm bảo công tác ATVSTP trong trường học từ lâu đã được chỉ đạo xuyên suốt trong mỗi năm học. Tuy nhiên, dịp này chúng tôi cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng VSATTP trong các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú gửi về các phòng, các nhà trường”.
Tại TP Hà Tĩnh, ngày 18/3, Phòng GD&ĐT TP ban hành Công văn 137 về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng ATVSTP trong các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú. Theo đó, yêu cầu các nhà trường, nhóm trẻ độc lập tư thục kiểm soát chặt thực phẩm từ các nhà cung cấp, bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ổn định.
Công văn cũng yêu cầu các nhà cung cấp phải ký cam kết với nhà trường, nhóm trẻ độc lập tư thục về chất lượng lương thực, thực phẩm cung cấp cho bếp ăn, kiên quyết không để lương thực, thực phẩm không bảo đảm chất lượng lọt vào bếp ăn của trường, nhóm trẻ độc lập tư thục.
Để ngăn chặn những loại thực phẩm không an toàn hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã ngừng sử dụng thịt lợn trong khẩu phần ăn cho trẻ mà thay vào đó là cá, thịt bò, tôm… Lãnh đạo Trường Mầm non Trần Phú, TP Hà Tĩnh cũng cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng, rồi bệnh sán lợn gây ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh rất lớn. Đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường buộc phải làm công văn thông báo ngừng sử dụng thịt lợn trong khẩu phần ăn hàng ngày của học sinh. Đây cũng là lí do chính đáng của phụ huynh, nhà trường phải chấp thuận”.
Thời gian tới, đoàn liên ngành Chi cục ATVSTP tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm ATVSTP ở các trường học trên toàn tỉnh và sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm - ông Phan Văn Hùng nhấn mạnh.