Hà Tĩnh: Khổ vì “thừa” trụ sở xã sau sáp nhập

GD&TĐ - Nếu việc lựa chọn trụ sở xã mới khá thuận lợi thì giải pháp xử lý đối với những trụ sở dôi dư lại đang làm các địa phương lúng túng. Không chỉ cấp xã mà cả cấp huyện cũng đợi hướng dẫn từ cấp trên.

Trụ sở xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà dôi dư sau sáp nhập.
Trụ sở xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà dôi dư sau sáp nhập.

Tại Hà Tĩnh, sau sáp nhập các đơn vị hành chính dôi dư ra hàng loạt trụ sở xã. Chỉ một số trụ sở xã được trưng dụng làm khu cách ly hoặc nơi làm việc của công an, còn lại phần lớn vẫn đóng cửa bỏ hoang.

Dùng để làm khu cách ly 

Thực hiện Nghị quyết số 819 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tại Hà Tĩnh vào năm 2020 thực hiện sáp nhập 80 xã còn lại 34, toàn tỉnh có 262 xã xuống còn 216 xã, giảm 46 xã. Số xã dôi dư này có nhiều trụ sở bỏ hoang, không sử dụng đến.

Tại Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ là một trong những địa phương có nhiều trụ sở xã dôi dư nhất sau sáp nhập. Cụ thể, địa phương này có 28 xã, thị trấn, sau sáp nhập còn 16 xã, dôi dư ra 12 xã, các trụ sở xã dư dôi đều không có nhu cầu sử dụng.

Ông Bùi Ngọc Nhật – Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ - cho biết, tại địa phương thực hiện sáp nhập xã Đức Yên vào thị trấn Đức Thọ. Sau sáp nhập, trụ sở xã Đức Yên không còn sử dụng nên đóng cửa bỏ không. Gần đây, thị trấn sử dụng làm khu cách ly cho người dân từ miền Nam về quê.

“Về trụ sở UBND xã Đức Yên, hiện UBND thị trấn đã đưa vào kế hoạch sử dụng cho năm 2022 - 2023. Cụ thể, phần đất dùng để mở rộng trường mầm non của địa phương, còn phần cơ sở hạ tầng sẽ thực hiện bán đấu giá, tuy nhiên hiện vẫn chờ tỉnh phê duyệt” – ông Nhật nói.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Lê Trung Dũng – Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch UBND huyện Đức Thọ - cho hay, trong số 12 trụ sở xã dôi dư, có 3 trụ sở xã bỏ không, số còn lại được sử dụng làm việc cho lực lượng công an xã hoặc làm khu cách ly y tế Covid-19.

Về phương án xử lý số trụ sở dôi dư kể trên, ông Dũng cho biết, huyện đã lập phương án trình tỉnh đề xuất thanh lý 3 trụ sở gồm xã Đức Thủy, Đức Thanh và Đức Châu, 4 trụ sở chuyển cho công an xã sử dụng để làm việc, số chuyển cho các trường học, hoặc hợp tác xã.

Tại huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết, thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn, huyện thực hiện sáp nhập 15 xã thành 6 xã, dôi ra 9 xã. Đối với 9 xã dôi dư này trụ sở không còn sử dụng nên tạm thời có một số trụ sở được trưng dụng làm khu cách ly y tế hoặc nơi làm việc của công an.

“Về phương án xử lý theo hướng sẽ đấu giá tài sản trên đất và chuyển mục đích sử dụng. Song, giá trị tài sản trên đất về mặt sổ sách lớn, đưa ra đấu giá sẽ gặp khó khăn” – ông Sáu cho hay.

Tại huyện Can Lộc có 2 cụm phải tiến hành sáp nhập 3 xã thành một xã mới gồm: Kim Lộc, Song Lộc và Trường Lộc; Khánh Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Lộc; sắp xếp xã Tiến Lộc với thị trấn Nghèn. Một trong những thách thức đặt ra trong quá trình sáp nhập là sử dụng cơ sở vật chất của các xã.

Trong cái khó “ló” cái khôn, 3 xã nhập lại một sẽ thừa nhiều cơ sở vật chất, song nhờ số cơ sở vật chất thừa đó giúp huyện thực hiện được một số mục tiêu trong phát triển văn hóa, giáo dục và thương mại, dịch vụ.

Riêng đối với xã Kim Lộc (huyện Can Lộc) trụ sở hành chính xã nằm ngay cạnh trường tiểu học. Qua khảo sát thực tế của huyện thì ngôi trường này còn chưa đảm bảo về cơ sở vật chất nhất là thiếu phòng học, phòng làm việc, nhà đa năng.

Sau khi sáp nhập, nhà làm việc tại trụ sở xã sẽ được chuyển đổi trở thành nhà hiệu bộ, làm nơi sinh hoạt chuyên môn của nhà trường; hội trường xã sẽ chuyển đổi trở thành nhà đa năng, giúp cho trường tiểu học có đầy đủ cơ sở vật chất dạy và học.

Chờ hướng dẫn từ Trung ương

Trụ sở xã Đức Yên, huyện Đức Thọ nay trở thành khu cách ly y tế Covid-19.
Trụ sở xã Đức Yên, huyện Đức Thọ nay trở thành khu cách ly y tế Covid-19.

Tại Hà Tĩnh, giao trụ sở dôi dư cho các thôn, khu dân cư làm nhà văn hóa là một giải pháp, nhất là với các nơi chưa có nhà văn hóa. Sử dụng trụ sở dôi dư thành nhà làm việc của các cơ quan, đơn vị, khối đoàn thể, công an xã, ban quản lý các khu di tích của địa phương cũng là cách làm hợp lý.

Nhiều lãnh đạo trường học tại Hà Tĩnh cũng kiến nghị, hiện nhiều trường học trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn thì còn thiếu phòng học, nhà đa chức năng… nên chuyển giao các trụ sở dôi dư của các xã sau sáp nhập cho các trường học sử dụng cũng là một giải pháp cần tính toán.

Ông Lê Trung Dũng cho biết, thời điểm huyện Đức Thọ lên phương án đề xuất xử lý các trụ sở cũ thực hiện theo Nghị định 167, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì Nghị định 67 (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 167) ra đời, có hiệu lực từ ngày 1/9/2021 nên hiện việc xử lý các tài sản này vẫn phải chờ hướng dẫn từ Trung ương.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Khi ban hành Thông tư, tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể” – ông Dũng thông tin.

Một lãnh đạo Phòng Kinh tế - Kế hoạch huyện Thạch Hà cũng cho biết: Tại địa phương có nhiều trụ sở được sửa chữa, xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018, giá trị khá cao nên việc kêu gọi nhà đầu tư vào để đầu tư là không dễ.

“Hơn nữa, giữa Nghị định 67 và Nghị định 167 còn một số điểm chưa rõ, cần phải chờ Thông tư hướng dẫn Nghị định 67 ra đời thì mới có thể xử lý được các trụ sở dư dôi tại địa phương” – vị này cho biết thêm.

Thiết nghĩ, việc sử dụng trụ sở dôi dư của các xã làm trạm y tế, công an xã, trường học, điểm giao dịch, trưng bày quảng bá các sản phẩm địa phương hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng... cũng nên được tính đến.

Mục tiêu cần đạt được là trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, góp phần phát triển văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ của các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ