PV Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ. Theo đó, hơn 1.200 trẻ lứa tuổi bậc mầm non toàn tỉnh chưa thể đến trường sẽ được đến trường đúng ngày khai giảng năm học mới 2018-2019.
Bổ sung kinh phí cho các trường để tăng chỉ tiêu giáo viên hợp đồng
Như Báo GD&TĐ thông tin trong nhiều bài viết trước đó, hàng nghìn trẻ em bậc mầm non toàn tỉnh Hà Tĩnh dù đã đến ngày tựu trường nhưng vẫn không được đến trường.
Trước áp lực tuyển sinh đầu năm đối với các trường công lập là rất lớn, dù các trường tư thục đã giải quyết được 40% học sinh cho các trường công lập. Thế nhưng, vấn đề thiếu giáo viên đứng lớp là nỗi lo lớn nhất, bên cạnh đó việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp không thể theo kịp tỷ lệ gia tăng số lượng học sinh và mức đóng góp trường tư còn cao so thu nhập của số đông người dân. Vì vậy, tuyển sinh đầu cấp vẫn luôn là nỗi lo của phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương trước thềm mỗi năm học. Với hướng giải quyết, thiếu cái gì bổ sung cái đó, các trường sẽ được tuyển dụng thêm giáo viên.
Theo ông Trần Huy Liệu, trước mắt để giải quyết tình trạng này, ngày 25/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 4355 đồng ý chủ trương tuyển 410 giáo viên (226 giáo viên mầm non, 184 giáo viên văn hóa bậc tiểu học). Tuy nhiên, việc tuyển mới 410 giáo viên này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thiếu giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non.
Đối với bậc mầm non thành phố Hà Tĩnh, 388 học sinh chưa thể đến trường do thiếu giáo viên, các đơn vị liên ngành đã đưa giải pháp tình thế cho vấn đề này. Theo đó, ngoài quyết định tuyển dụng 410 giáo viên của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đồng ý cho hợp đồng thêm 16 giáo viên tiểu học và 23 giáo viên mầm non, đồng thời tăng số lớp mầm non từ 138 lên 158 lớp. Bước đầu giải quyết được áp lực tuyển sinh. Việc này, thành phố đã triển khai gần như cơ bản, số trẻ đã khép kín tại các trường học mầm non – ông Trần Huy Liệu cho biết.
Hàng nghìn trẻ bậc mầm non chưa thể đến trường sẽ được trở lại trường đúng ngày khai giảng |
Còn với thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh là hai đơn vị thuộc vào diện thiếu trầm trọng giáo viên bậc mầm non dẫn đến 404 học sinh tại huyện Kỳ Anh và 447 học sinh tại thị xã Kỳ Anh đến lúc này vẫn chưa thể đến trường. Theo chỉ đạo, Phòng giáo dục phải có trách nhiệm báo cáo số liệu học sinh bậc mầm non tăng thêm, cơ sở vật chất lớp học, nhu cầu tuyển dụng thêm giáo viên hợp đồng gửi Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ trước ngày 31/8.
Theo tìm hiểu của PV, tại huyện Kỳ Anh giáo viên mầm non còn thiếu 114 (tỷ lệ 2 GV/lớp); thị xã Kỳ Anh thiếu 116 giáo viên (2GV/lớp). Để tuyển đủ số giáo viên đứng lớp là một bài toán khó, bởi Hà Tĩnh chịu ràng buộc bởi “trần” của Bộ Nội vụ giao và ngành giáo dục chỉ được 10% tỷ lệ biên chế giáo viên.
“Có thể không thể tuyển đủ giáo viên biên chế, nhưng các đơn vị liên ngành đã thống nhất bổ sung kinh phí cho các trường để tuyển đủ giáo viên hợp đồng, cân đối với tỷ lệ học sinh/lớp. Tỉnh sẽ dành sự ưu ái cho sự nghiệp giáo dục bằng cách chi trả lương giáo viên hợp đồng theo hình thức bậc 1 cọng thêm những chế độ vùng, miền (nếu có)” – ông Liệu khẳng định.
Được biết, từ trước đến nay các trường mầm non tại thị xã, huyện, thành phố Hà Tĩnh để giải quyết khâu thiếu giáo viên, nhà trường phải tự đứng ra hợp đồng giáo viên. Tiền lương sẽ do nhà trường chi trả, nguồn thu từ xã hội hóa. Tuy nhiên, gần đây tỉnh có văn bản cấm thu chi từ nguồn xã hội hóa (phụ huynh) nên các trường rơi vào tình thế bế tắc vừa thiếu giáo viên, vừa không có lương chi trả giáo viên hợp đồng.
Số 388 trẻ bậc mầm non tại thành phố Hà Tĩnh chưa được đến trường đã được bố trí học trở lại |
Giải pháp lâu dài là đưa Nghị quyết 96 vào đề án phát triển giáo dục
Nghị quyết 96 của Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành ngày 18/7/2018 dành riêng cho ngành giáo dục trong việc “Phát triển giáo dục bậc mầm non và phổ thông tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Như vậy, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, mở trường tư thục, các lớp nhóm trẻ; tổ chức lại trường lớp đủ quy mô. Đảm bảo chất lượng dạy học; đẩy mạnh lại cơ cấu đội ngũ giáo viên, giảm hành chính, tăng giáo viên đứng lớp; chuyển nhiệm vụ y tế học đường, viên chức y tế ở các trường học về trạm y tế cấp xã hoặc trung tâm y tế quản lý cũng như sáp nhập các trường lại để giảm thiểu nhân viên hành chính, kế toán trong trường học; đào tạo bổ sung kiến thức cần thiết cho giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để có thể dạy môn khác, vị trí làm việc khác.
5 năm gần đây, ngành giáo dục không thực hiện việc điều chuyển giáo viên. Năm học này, trong Nghị quyết 96 nêu rõ là thực hiện việc điều động, biệt phát giáo viên từ địa phương thừa sang địa phương thiếu, trường thừa sang trường thiếu kể cả về số lượng và cơ cấu môn học. Đồng thời, thực hiện hợp đồng viên chức số giáo viên còn thiếu sau khi điều chuyển, bố trí, cân đối và tiếp tục tuyển sinh tốt nghiệp loại giỏi ở các trường sư phạm về dạy tại Hà Tĩnh.