Chị cũng là nữ giáo viên hiếm hoi từ trước tới nay tại Hà Tĩnh.
Đến với nghề nhờ chữ “duyên”
Với nghề dạy lái xe, nhiều người mặc định phải là nam giới đảm nhận. Tuy nhiên, 4 năm nay, tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, có một “bóng hồng” thực hiện công việc trên khiến học viên và đồng nghiệp thán phục. Điều đáng trân trọng là chị Thùy Dương luôn có một đam mê tột bậc và cống hiến hết mình với nghề mình đã lựa chọn.
Thùy Dương cho hay: “Dù là một người khá cá tính nhưng tôi đến với nghề dạy lái xe thực sự như là “cái duyên”. Năm 2011, tôi tốt nghiệp Trung cấp Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn nên có ý định mở một cửa hàng kinh doanh thiết bị phòng chống cháy nổ ở TX. Kỳ Anh nhưng không thành. Sau đó, tôi làm việc cho một công ty chuyên về xây dựng trên địa bàn, nhưng cũng chỉ được 2 năm vì công việc bấp bênh”.
“Cách đây 4 năm, khi Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh tuyển giáo viên dạy lái xe tại cơ sở 2 (đóng ở P. Kỳ Trinh, TX. Kỳ Anh), tôi quyết định nộp hồ sơ vào làm việc. Để có đủ điều kiện dạy lái xe cơ giới đường bộ, tôi học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm cùng một số chứng chỉ liên quan và được nhận vào làm.
Từ sự bỡ ngỡ những ngày đầu dạy lái, đến nay tôi đã có 4 năm kinh nghiệm trong việc dạy thực hành các loại bằng B, B2 và đang tiếp tục tập huấn để được dạy bằng C” - Thùy Dương chia sẻ.
Thùy Dương cũng tâm sự: “Ban đầu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy thực hành. Bởi bản thân không được cứng tay lái như những giáo viên nam nên cũng lo. Rồi lo, các học viên khi nghĩ đến giáo viên nữ dạy lái họ cũng kén chọn và mình sẽ không đủ chỉ tiêu về học viên”.
Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng, dần dần Thùy Dương đã thành thạo những kỹ năng cơ bản. Khác với suy nghĩ ban đầu, do tâm lý của nhiều học viên thích giáo viên là nữ nên Thùy Dương thành công với lựa chọn của mình.
“Mỗi khóa 5 học viên, 4 năm trong nghề gần 100 học viên đã được tôi đào tạo. Bây giờ tôi không còn lo thiếu chỉ tiêu mà quan trọng là chất lượng đào tạo cho các học viên” - Thùy Dương chia sẻ.
Cũng theo nữ giáo viên này, phần lớn các học viên được chị dạy là nữ. Bởi tâm lý của nhiều chị em khi đi học muốn người dạy cùng giới, dễ trao đổi hơn.
Vượt lên mọi khó khăn để đảm nhận tốt công việc
Về gia đình, Thùy Dương cho biết đã có 2 bé trai, cháu đầu là Phạm Thanh Phong (3 tuổi), cháu sau là Phạm Thanh Hải (1 tuổi). Chồng chị đi làm ăn xa. Nhiều người nói công việc dạy lái xe chủ yếu dành cho cánh đàn ông cũng có phần đúng. Công việc này chiếm nhiều thời gian và chị làm bạn với xe ô tô gần như cả ngày.
“Mỗi ngày, tôi thường thức dậy từ lúc 5 giờ 30 phút. Sau khi đánh thức và lo cho các con ăn uống, tôi đưa cháu lớn tới trường mầm non cách nhà chừng 3km, còn cháu nhỏ thì gửi cho người quen trông coi. Lo cho các con xong, tôi lái xe đi đón học viên để chuẩn bị cho buổi học thực hành” – Thùy Dương kể về những vất vả đối với người phụ nữ bén duyên với nghề này.
Chị cũng cho biết, theo quy định của nhà trường, mỗi khóa một giáo viên dạy 5 học viên. Để việc học thực hành hiệu quả nhất, tôi thường sắp xếp từ 2 – 3 học viên/buổi học. Việc sắp xếp tùy theo tính cách, trình độ, mức tiếp nhận kiến thức của mỗi học viên.
Buổi sáng, việc học thực hành bắt đầu từ 7 giờ tới 11 giờ. Buổi chiều từ 13 giờ 30 phút tới 17 giờ 30 phút. Trước kia, tôi dạy lái xe số sàn.
Cách đây chừng 4 tháng, tôi gom góp số tiền gần 600 triệu đồng mua mới chiếc Toyota Vios để dạy lái xe số tự động. “Là nữ giáo viên, nên phần lớn học viên của tôi là nữ. Với tôi, học viên là nam hay nữ thì cũng sẽ cố gắng chỉ dạy, hướng dẫn tối đa để mọi người đạt được kết quả tốt nhất” – chị Dương vui vẻ nói.
Kể về câu chuyện nghề, chị Thùy Dương gần như “rút ruột”, chị nói một cách say sưa, không ngần ngại. Chị cũng cho rằng, trong học lái xe thì việc thực hành trên ô tô là quan trọng nhất nhưng với tôi thì lý thuyết hay thực hành cũng có vị trí như nhau. Lý thuyết dù đơn giản hơn nhưng là nền tảng để sau này bạn tự tin khi lưu thông trên đường.
Tôi cũng khuyến khích các học viên đặt câu hỏi trong quá trình học lái. Với mỗi thắc mắc của học viên, tôi luôn cố gắng giải đáp làm sao cho dễ hiểu nhất, có như vậy mới giúp học viên tự tin trong quá trình học lái và nhất là khi điều khiển xe lưu thông trên đường - nơi có nhiều phương tiện, nhiều tình huống bất ngờ xảy ra.
Vấn đề tâm lý ảnh hưởng lớn tới quá trình học lái xe ô tô cũng như khi điều khiển xe trên đường. Vì vậy, để giúp học viên lái xe an toàn, tôi luôn động viên họ phải tự tin, đồng thời tập trung cao nhất khi cầm vô-lăng.
Trong suốt gần 4 năm làm nghề dạy lái xe, tôi đã đào tạo được gần 100 học viên. Tôi cũng nhiều lần được nhà trường khen thưởng bởi thành tích liên tiếp có số học viên thi đậu với tỷ lệ 100%/khóa học.
Sau mỗi ngày dạy lái, điều tôi mong muốn nhất chính là được về chăm sóc, vui vầy với các con. Đây chính là động lực giúp tôi hoàn thành tốt công việc giáo viên dạy lái ô tô.
“Dù gặp không ít vất vả nhưng nhờ sự động viên, ủng hộ từ người thân, đồng nghiệp, tôi luôn vững tin hoàn thành tốt công việc của giáo viên dạy lái ô tô. Ngoài ra, thành tích “đậu bằng” của các học viên cũng là động lực lớn giúp tôi gắn bó với nghề” – chị Thùy Dương chia sẻ.