Tuyệt đối không thể chủ quan
Thông tin trên Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định việc Hà Nội ghi nhận liên tiếp các trường hợp dương tính với Covid-19 mới đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo PGS Phu đánh giá, các khu vực, đối tượng vừa xác định ca nhiễm trong cộng đồng đều là nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà máy..., hoặc liên quan việc giao hàng. Các đối tượng trên đều có sự giao lưu, lịch trình đi lại phức tạp, mang đến nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khá cao.
Theo vị chuyên gia này, người dân tại những khu vực nói trên đều thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Do đó, việc các trường hợp nhiễm Covid-19 xuất hiện tại đây là điều đã nằm trong dự báo từ trước.
Liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi vừa phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19, vị chuyên gia này cho rằng thành phố vẫn phải tiếp tục điều tra dịch tễ để đưa ra đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, việc một bệnh viện ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ khá phức tạp.
Chúng ta vẫn chưa thể xác định được nguồn lây tại cơ sở y tế này. Trong khi đó, việc người dân từ nhiều địa phương tới khám và điều trị tại bệnh viện, có sự tiếp xúc giữa các tỉnh, thành phố khác nhau mang đến những mối nguy hiểm nhất định.
Trong khi đó, các trường hợp đang điều trị tại đây nếu không may cùng lúc mắc 2 bệnh cũng sẽ có nguy cơ rất lớn, cần quan tâm đặc biệt.
Ông Phu cũng nhấn mạnh, với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta cũng đã thống nhất rằng việc đưa Hà Nội trở về "Zero Covid-19" là rất khó.
Lúc này, sau khi phát hiện được các trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh truy vết và khoanh vùng. Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là làm sao nhanh chóng phong tỏa được ổ dịch. Chúng ta cần cố gắng kiểm soát ổ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, qua đó mới có thể khống chế tình hình.
Gỡ bỏ hay tiếp tục giãn cách, Hà Nội vẫn có thể xuất hiện ổ dịch mới
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định: "Trong thời gian tới, Hà Nội có thể phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Kể cả thành phố gỡ bỏ giãn cách hay tiếp tục giãn cách vẫn có thể xuất hiện ổ dịch mới".
Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết: "Việc xuất hiện ca mắc Covid-19 mới có thể do chưa loại bỏ hết những ca dương tính không triệu chứng trong cộng đồng. Thứ hai, việc giao thoa đi lại nhất là những người từ vùng dịch về Hà Nội… Việc xuất hiện những ổ dịch trong thời gian gỡ bỏ giãn cách không có gì lạ".
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, nhấn mạnh: "Việc nới lỏng giãn cách tại Hà Nội là điều rất cần thiết".
Thành phố nới lỏng từng bước một số hoạt động kèm theo thực hiện chặt công tác phòng chống dịch. Nới lỏng căn cứ vào mức độ nguy cơ. Nếu xã phường nào đang có ổ dịch cần phong toả ở mức độ gọn, hẹp không nhất thiết phải phong toả cả cả khu phố, toàn bộ xã/phường.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: "Thường những ổ dịch lây nhiễm những người trong hộ gia đình, tiếp xúc gần chứ không lan rộng ra. Việc phong toả cần hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng đến đời sống cũng như phát triển, sinh hoạt của người dân".
Chính vì vậy, khi nới lỏng giãn cách chúng ta vẫn phải kiểm soát, không tụ tập đông người… người dân đi lại, giao tiếp vẫn phải tuân thủ nghiêm 5K của Bộ Y tế, ông Hùng lưu ý.
Hiện nay, thành phố đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ. Hà Nội tiếp tục triển khai, đảm bảo kế hoạch tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành dự kiến trong tháng 11/2021. Theo chuyên gia, đây là điều kiện quan trọng để chúng ta từng bước trở về trạng thái bình thường mới thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Bí thư Hà Nội: Chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất
Trao đổi với báo chí về việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 28/9, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt.
Theo Bí thư Hà Nội, sở dĩ phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của Covid-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh; trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế. Tâm lý một bộ phận người dân lại rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang.
Bí thư Hà Nội cho hay, qua kiểm tra và phản ánh của báo chí, người dân, có tình trạng thực hiện không nghiêm ở một số địa phương, cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về nhưng vẫn cho khách ngồi ăn uống tại chỗ. Bí thư Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Các cửa hàng phải ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của thành phố và các biện pháp phòng, chống Covid-19. Vì chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất.
Theo Bí thư Hà Nội, mặc dù thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch.
Cũng theo Bí thư Hà Nội cho biết, sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện "5K", tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.
Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để trong tháng 10.2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vắc xin và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.