Hà Nội xử lý 8 điểm đen hóa chất độc hại

Chi cục bảo vệ môi trường TP Hà Nội đang tiêu tẩy chất độc tại 8 kho thuốc bảo vệ thực vật cũ trên địa bàn.

Ngày 28/12, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng bảo vệ môi trường Hà Nội, thông tin đơn vị vừa hoàn thành xử lý, phục hồi môi trường tại điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Phú Thứ, thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất).

Ngoài ra, Chi cục đang lên kế hoạch xử lý điểm tồn lưu hoá chất tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) và 6 điểm ở các quận, huyện khác.

Khu nhà kho tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất. Ảnh: Tất Định.

Khu nhà kho tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất. Ảnh: Tất Định.

"Đây đều là những kho cũ từ hàng chục năm trước, chúng tôi đang cố gắng sớm cải tạo lại tất cả điểm này", ông Thái nói và cho hay dự kiến kế hoạch tiêu tẩy độc tất cả 8 điểm sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Giải thích về nguyên nhân đến nay mới xử lý môi trường, theo ông Mai Trọng Thái do việc xử lý chi phí lớn, nhiều điểm tồn lưu hóa chất đã xây dựng công trình, mất dấu vết khoanh vùng.

Trong số 8 điểm tồn lưu hoá chất ở thủ đô, kho vật tư nông nghiệp cũ huyện Thạch Thất là một dãy nhà bỏ hoang và bãi đất trống rộng 800 m2, nằm sát khu dân cư. Nhân viên môi trường đã xây một bể bê tông ngầm, xúc toàn bộ nền đất của nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phun hóa chất xử lý rồi đóng nắp bể. Một tấm biển cảnh báo "không lại gần" được dựng lên cạnh bể bê tông.

Sống ở gần kho chứa thuốc bảo vệ thực vật 20 năm, bà Nguyễn Thị Sáu, 74 tuổi, cho hay, khu này chất đầy thùng phuy chứa thuốc 666, DDT. Từ năm 1993, nhà kho bị bỏ hoang.

"Ngày nắng thuốc sâu bốc mùi hắc, mưa xuống nước tràn ra sông Tích, cá chết nổi trắng mà không ai dám vớt. Chúng tôi đã mong chờ khu này được xử lý từ rất lâu", bà Sáu nói.

Khu nhà kho tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tất Định.

Khu nhà kho tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tất Định.

Cách đó 19 km, kho vật tư nông nghiệp của tỉnh Hà Tây cũ quy mô rộng gần 1 ha đặt tại thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ), quanh bán kính 50 m có hàng chục hộ dân sinh sống. Nhà kho đã bỏ hoang từ 20 năm trước, cây dại cỏ mọc um tùm, tiến lại gần vẫn ngửi thấy mùi hóa chất.

Người dân trong khu vực không ai dám chăn thả trâu bò gần kho vật tư này. Ông Nguyễn Khắc Dũng, 54 tuổi, thôn Ninh Sơn nói: "Năm ngoái, máy xúc múc đất, mùi hắc bay lên nồng nặc khiến tôi choáng váng, nhức đầu".

Kết quả quan trắc đất của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, điểm tồn lưu hóa chất tại thị trấn Liên Quan vượt quy chuẩn cho phép 6-7 lần. Điểm tại thị trấn Chúc Sơn, dư lượng hóa chất vượt 2,5 lần.

Theo GS.TS Phạm Văn Lầm, trước những năm 90, Việt Nam sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hàm lượng Clor hữu cơ cao như 666, DDT. Đây là những chất độc có thời gian phân hủy dài lên tới hơn 20 năm, tích lũy vào cơ thể và khó bài tiết ra ngoài. "Các nhà kho chứa thuốc cũ lẽ ra nên được xử lý sớm hơn, càng để lâu càng nguy hiểm cho người dân", GS Lầm nói.

Ngoài 2 nhà kho nêu trên, Hà Nội còn 6 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật khác tại Xã Tân Lập (huyện Đan Phượng); thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì); thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa); xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh); phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ).

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vẫn rất lúng túng mua điện mặt trời

GD&TĐ - Liên quan đến giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án.