Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất
Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho hay, việc tổ chức học trực tiếp với học sinh từ khối 1 đến khối 6 các quận nội thành được thực hiện theo nguyên tắc, chỉ tổ chức dạy trực tiếp tại các địa bàn dịch cấp độ 1 và 2, chưa tổ chức ăn bán trú khi học trực tiếp.
Như vậy, dự kiến khoảng 1,6 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội đã được cho phép học trực tiếp sau hơn 9 tháng ở nhà học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19. Với khoảng 600.000 trẻ mầm non, UBND thành phố vẫn chưa chính thức quyết định thời gian cụ thể để các em có thể trở lại trường. Trước đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 18 huyện/thị xã ngoại thành của Thủ đô cũng đã trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/2.
Với trên 54 nghìn học sinh từ khối 1 đến khối 6 trên địa bàn, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 khi mở cửa trường học là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị quận. Phòng đã quán triệt tới các đơn vị trực thuộc các quy định, yêu cầu theo hướng dẫn liên ngành Y tế - Giáo dục đào tạo của thành phố khi đón học sinh quay trở lại trường.
Các trường cũng đã được tham dự tập huấn và tổ chức diễn tập phương án đón học sinh đảm bảo an toàn phòng dịch theo kế hoạch. Người đứng đầu mỗi cơ sở giáo dục có trách nhiệm phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị mình về những công việc phải làm phù hợp với từng vị trí khi mở cửa trường học. Dù thực hiện theo phương án nào cũng đều phải đáp ứng điều kiện an toàn cao nhất khi đón học sinh đến trường.
Sẵn sàng, chủ động các kịch bản
Cô Cao Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng (quận Hà Đông) chia sẻ: “Khi biết thông tin sẽ được trở lại trường từ tuần sau, nhiều em học sinh cảm thấy rất phấn khởi. Công tác vệ sinh, khử khuẩn được nhà trường tiến hành định kỳ theo quy định. Việc tham gia diễn tập các phương án khi đón học sinh trở lại sẽ giúp nhà trường rút ra những kinh nghiệm để áp dụng phù hợp với thực tế.
Trong quá trình giảng dạy, nếu phát hiện học sinh có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, giáo viên cho tạm dừng việc giảng dạy, báo cáo ban giám hiệu rồi đưa học sinh về phòng cách ly tạm thời để lấy mẫu xét nghiệm. Tiếp đó, giáo viên thực hiện xác định các học sinh có tiếp xúc gần với F0 trong lớp học để đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn liên ngành”.
Thông tin từ Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho hay, trên địa bàn có gần 36 nghìn học sinh tiểu học và hơn 5.200 em khối 6. Hiện tại, 100% các trường đã triển khai diễn tập phương án đón học sinh trở lại theo hướng dẫn của UBND quận. Tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên cách xử lý tình huống khi có F0, F1 trong lớp.
Lãnh đạo quận luôn sát sao trong công tác chỉ đạo ngành giáo dục về chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và thành phố. Ngoài sự chỉ đạo từ ngành dọc thì các cơ sở giáo dục phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là ngành y tế để đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch khi mở cửa trường học.
Cô Hoàng Ngọc Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhà trường đã tổ chức đón học sinh các khối 7, 8, 9 từ ngày 8/2 theo quyết định của thành phố; từ 21/2 sẽ tiếp tục đón học sinh lớp 6 đến trường. Nhà trường luôn chủ động các phương án khi đón học sinh đi học lại. Thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” để phòng chống dịch Covid-19.
Cũng theo cô Ngọc Lan, ngoài việc thực hiện nghiêm túc vấn đề phòng dịch theo hướng dẫn của liên ngành thì công tác động viên tư tưởng để cả học sinh, giáo viên ổn định tâm lý khi học trực tiếp cũng vô cùng quan trọng. Với một số ca F0 là giáo viên và học sinh tại trường, thầy cô giáo chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến với các trường hợp F0, F1 để đảm bảo tiến độ chương trình cho các em. Khi được động viên tinh thần thì cả thầy và trò đều yên tâm dạy - học.