Công phu như… luyện chữ online cho học sinh lớp 1

GD&TĐ - Học trực tiếp, cô giáo có thể cầm tay luyện từng nét chữ cho học trò. Tuy nhiên, khi luyện chữ qua hình thức online cho trẻ lớp 1, các cô sẽ phải dùng nhiều phương pháp, cách làm phù hợp để đảm bảo hiệu quả. 

Tiết học trực tuyến của cô Minh Thư với học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai. 
Tiết học trực tuyến của cô Minh Thư với học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai. 

Tỉ mỉ, kiên trì

Khi dạy học sinh lớp 1 luyện viết chữ, cô Phạm Thị Tươi, giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) sẽ chiếu video hướng dẫn viết lên màn hình. Cô trò cùng phân tích độ rộng, độ cao, điểm đặt bút viết, hướng di chuyển của bút cũng như khoảng cách các con chữ, tiếng... Sau đó cho học sinh viết trên bảng con rồi giơ lên. Với một số em viết đẹp sẽ được cô giáo ghim bài lên màn hình để động viên, khen ngợi và cũng để em nào viết chưa đẹp, chưa đúng sẽ cùng sửa. Phần viết vở, cô giáo nhờ phụ huynh hướng dẫn các em ở nhà rồi chụp bài gửi cho cô. Cô sẽ gạch lỗi sai và phản hồi để cha mẹ giúp các con sửa lại.

Bên cạnh đó, cô Tươi cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu, tham gia vào các nhóm giáo viên để học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp về cách sử dụng linh hoạt phần mềm dạy học online sao cho hiệu quả. Riêng với kỹ năng tập viết, cô Tươi cho biết chủ yếu ứng dụng hiệu ứng có sẵn trên phần mềm PowerPoint, sau đó xây dựng thành  clip hướng dẫn ngắn để trình chiếu trên phần mềm dạy trực tuyến Zoom.

Việc này sẽ giúp giáo viên tạo hiệu ứng trình chiếu các đường kẻ, viết chữ theo từng ô ly, phân tích nét… Do vậy, trước khi các em bắt đầu vào chương trình học, cô dành thời gian để dạy các nét cơ bản trước sao cho học sinh dễ nhìn và có thể bắt chước theo. Qua đợt kiểm tra cuối học kỳ I vừa qua, tỷ lệ các em viết đẹp đạt khá cao. Điều này đã chứng tỏ các biện pháp luyện chữ “online” cho học sinh của nhà trường đem lại những hiệu quả bước đầu.

Là giáo viên có nhiều năm dạy học sinh khối 1 tại Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), cô Đào Thị Luyến cho hay: Trước khi dạy giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ phần mềm và thiết bị dạy học; học liệu như PowerPoint, video hướng dẫn hoặc các phần mềm mô phỏng chữ viết. Khi dạy viết, cô sẽ giúp học sinh quan sát, phân tích mẫu và xem video hướng dẫn viết có sẵn trên hành trang số hoặc phần mềm mô phỏng chữ viết để nắm được quy trình viết chữ. Đồng thời, các em sẽ xem cô giáo viết mẫu trực tiếp qua Zoom. Cha mẹ cũng đóng vai trò phối hợp không thể thiếu để hướng dẫn trẻ làm theo yêu cầu của cô giáo.

“Đối với trẻ lớp 1, được quan sát và nhìn cô viết mẫu vô cùng quan trọng. Vì vậy, biện pháp chủ yếu tôi sử dụng chính là trực tiếp viết mẫu cho học sinh xem. Tuy nhiên, để việc làm này có hiệu quả cần sự trợ giúp rất lớn của các thiết bị dạy học nên tôi dùng thêm thiết bị hỗ trợ là webcam rời rồi viết mẫu. Nhờ cách làm trên, học trò lớp tôi viết bảng con hay viết vở đều rất tốt. Các em viết đúng cỡ chữ và khá đẹp. Dù đã cố gắng và đạt được một số kết quả ban đầu, song cách làm của tôi chắc chắn chưa phải tối ưu nhất nên vẫn cần phải học hỏi nhiều từ đồng nghiệp” – cô Luyến tâm sự.

Bài luyện viết của học sinh lớp 1C Trường Tiểu học Văn Đức, huyện Gia Lâm.
Bài luyện viết của học sinh lớp 1C Trường Tiểu học Văn Đức, huyện Gia Lâm. 

Lưu ý khi quay video trực tiếp bài dạy chữ

Dù học online nhưng cô Nguyễn Thị Minh Thư – giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội)  vẫn miệt mài cố gắng trong từng giờ dạy để luyện viết cho các em. Theo đó, cô Thư sử dụng nhiều phương tiện và kỹ năng, trong đó có máy chiếu đa vật thể chứ không chỉ là máy chiếu Projector như ở trường. Máy chiếu đa vật thể sẽ được kết nối trực tiếp với phần mềm Zoom trên máy tính. Điều kiện tiên quyết để dạy học trực tuyến thành công chính là chất lượng đường truyền Internet. Do đó, cô đã chọn phương pháp quay video trực tiếp ngoài giờ học để gửi cho học sinh. Các em có thể chọn một thời điểm phù hợp hoặc nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh để xem lại cách cô viết chữ.

Cũng theo cô Thư, video của giáo viên chủ nhiệm sẽ phù hợp với học sinh lớp mình. Khi quay video trực tiếp bài luyện chữ cũng có hai cách. Một là quay video lồng tiếng luôn để gửi khi học sinh trên lớp nắm chưa chắc. Hai là quay video không cần lồng tiếng để nếu trên lớp dạy đường truyền không ổn định, cô có thể sử dụng video này kết hợp với tiếng ở ngoài, dùng con chuột máy tính nói tới đâu sẽ chỉ tới đấy sẽ trực quan hơn. Ngoài ra, có những video cô giáo gửi riêng để cha mẹ học sinh cùng xem. Từ đó, phụ huynh có thể quan sát xem trẻ làm có đúng như hướng dẫn của cô hay không.

“So với thao tác chữa bài trên các ứng dụng như Zalo, Azota thì cách chữa bài trực tiếp sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn. Ví dụ, giáo viên sẽ chia lớp làm 4 nhóm theo thứ tự. Mỗi ngày cô thu 10 bài để ngày hôm sau chữa trên máy tính. Những em chưa phải nộp có thể căn cứ vào bài làm của bạn được cô chữa để đối chiếu với bài làm của mình. Với những cách làm như vậy tạo tâm lý nhẹ nhàng cho phụ huynh ngay từ những ngày đầu năm học cho đến nay. Để tạo được hiệu quả khi quay video dạy trực tiếp cho học sinh thì yếu tố ngôn từ cũng như âm lượng, chất giọng của từng giáo viên đóng vai trò quan trọng. Ngôn từ phải đi theo hình ảnh mình đang làm. Các em được cô hướng dẫn nghe tới đâu rồi dừng lại làm tới đấy, xong lại nghe phần tiếp theo, như vậy sẽ tăng tính hiệu quả”, cô Thư chia sẻ thêm.

Cô Đào Thị Luyến nhấn mạnh, khâu rất quan trọng trong quá trình dạy viết chữ cho học sinh đó là chấm, chữa lỗi. Việc chấm chữa càng kỹ lưỡng càng mang lại hiệu quả cao, nhất là chữa bài qua dạy học trực tuyến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ