Hà Nội “trong mắt” người di cư

GD&TĐ - Hà Nội trong kí ức của nhiều người là tiếng rao quen thuộc, món quà ăn vặt nhiều hương vị, chị lao công quét rác trên đường Trần Phú hay mỗi buổi thể dục quanh hồ…

Hà Nội là hình ảnh chị lao công chăm chỉ của chàng trai Lưu Thanh Đông.
Hà Nội là hình ảnh chị lao công chăm chỉ của chàng trai Lưu Thanh Đông.

Hà Nội qua góc nhìn của người lao động di cư còn nhiều câu chuyện để kể hơn thế…

Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch thực hiện dự án chụp ảnh kể chuyện (photovoice) với sự tham gia của gần 40 người lao động di cư đến Hà Nội từ khắp các vùng miền Tổ quốc.

Qua góc máy và câu chuyện của họ, Hà Nội hiện lên với tình yêu, sự thấu cảm và tôn trọng với những vất vả mưu sinh của người dân thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính, và ngành nghề.

Đó không đơn thuần là một bộ ảnh mà còn là bộ sưu tập câu chuyện thường ngày ở Thủ đô. Từ đó có thể thấy Hà Nội đã và đang được hình thành một phần do lao động và tương tác của những người lao động di cư với thành phố. Đồng thời toát lên một tình yêu lớn với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Mỗi câu chuyện cho thấy người lao động di cư đang đóng góp vào sự phát triển của thành phố từ mọi khía cạnh thông qua công việc của họ. 34 người tham gia, đến từ nhiều miền quê khác nhau: Yên Bái, Sơn La, Ninh Thuận, Cần Thơ… thuộc nhiều độ tuổi khác nhau từ 19 đến 65 tuổi.

Trong đó có những người chưa bao giờ sử dụng điện thoại thông minh để chụp hình đã chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp của họ như bán hàng rong, lượm ve chai, giúp việc, vệ sinh môi trường, xe ôm... và về những người lao động chăm chỉ khác. 

Hà Nội là góc phố bình yên

Người lao động di cư tại Hà Nội kể chuyện qua ảnh về Thủ đô.

Người lao động di cư tại Hà Nội kể chuyện qua ảnh về Thủ đô.

Thật thú vị khi 3 bạn trẻ tham gia đều chụp những bức hình về nghề cắt tóc ở vỉa hè.

Cứ Thị Mai, cô gái dân tộc Mông, quê Sơn La chụp bác thợ đang cắt tóc cho khách ở vỉa hè đường Tràng Tiền, trước Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Mai cho biết: “Góc phố thật bình yên với hình ảnh bác thợ cắt tóc vỉa hè, dưới gốc cây, cách vài bước chân là một chú cún đang nghỉ ngơi một cách thư thái. Tất cả tạo cảm giác gần gũi và mộc mạc gợi nhớ cho tôi về hình ảnh những người đàn ông ở quê tôi thường cắt tóc cho nhau ở trước sân nhà”.

Chia sẻ về bức hình bác thợ cắt tóc trong gương, Kiều Khánh Duy (20 tuổi) đang làm nhân viên một quán bar tại phố cổ cho biết: “Ngày nhỏ tôi vẫn hay cắt tóc của các bác thợ ven đường.

Các bác rất vui tính và khéo tay. Hình ảnh những bác cắc tóc ở các gốc cây đã trở thành ký ức tuổi thơ của tôi và là hình ảnh đẹp rất riêng của Hà Nội”.

Trong khi đó, Hồ A Páo, một sinh viên quê Điện Biên, đang học năm cuối tại Trường Đại học Thủy lợi lại chụp hình những người thợ trẻ cắt tóc miễn phí cho người lao động ở vỉa hè.

Páo nhìn nhận: “Đối với người lao động thì vài chục nghìn cắt tóc cũng đáng giá cả một bữa no. Chính vì thế những hoạt động cắt tóc miễn phí thế này thật ý nghĩa. Tôi cũng đã từng được cắt tóc miễn phí như vậy rồi. Mọi người vừa cắt tóc vừa nói chuyện rất vui”.

Hà Nội tình người

Ảnh bác thợ cắt tóc của Cứ Thị Mai, cô gái dân tộc Mông, quê Sơn La.

Ảnh bác thợ cắt tóc của Cứ Thị Mai, cô gái dân tộc Mông, quê Sơn La.

Nhiều câu chuyện được kể cho thấy sự thấu cảm, tình thương người và quan tâm của những người lao động di cư với những người khó khăn, yếu thế trong xã hội.

Với cô Đỗ Thị Hiền, 62 tuổi, quê Nam Định, làm nghề thu nhặt đồng nát sắt vụn ở Hà Nội thì mình còn may mắn hơn rất nhiều người.

Bức ảnh mà cô Hiền “kể” là câu chuyện về một người đàn ông khuyết tật mà cô gặp mỗi ngày: “Anh quê Thái Nguyên. Bố mẹ mất sớm nên từ nhỏ đã phiêu bạt ở Hà Nội, không có gia đình, nhà cửa. Một số người đi đường nhìn thấy thương, mỗi người cho một ít tiền đã giúp anh mua được chiếc xe đạp và vài đồ lặt vặt như tăm, bông tai, bẫy chuột… rồi đẩy đi bán dạo kiếm sống.

Vì khuyết tật, khèo tay nên không đẩy xe đi được xa, thường loanh quanh khu gầm cầu Long Biên nên thu nhập chẳng được là bao. Những ngày không có khách hoặc mưa gió là không có gì để ăn.

Anh bảo, may mắn có một người Hà Nội tốt bụng sống ở phố Cầu Gỗ thường đi xe máy mang cho anh bát cơm, canh để sống. Ngoài bán đồ lặt vặt, anh cũng nhặt vỏ chai nhựa, giấy báo cũ trên đường đi. Nhặt được bao nhiêu anh thường chất lên xe và bán cho tôi. Tôi mua hộ anh chứ không bao giờ tính chuyện lãi lời.

Mặc dù cuộc sống của tôi vẫn còn khó khăn, ở Nam Định ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề thu nhặt đồng nát sắt vụn. Hàng ngày vẫn lóc cóc xe đạp qua các con phố Gia Ngư, Đinh Liệt, Hàng Bè, Hàng Bạt, Phùng Hưng… để mua đồng nát, giấy báo cũ.

Nhưng thi thoảng tôi vẫn cho anh ít tiền để sống, chẳng để ý đến lời mỉa mai của người qua đường “đi đồng nát mà cũng sĩ diện”. Tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn anh và rất đồng cảm hoàn cảnh của những người khuyết tật”.

Đối với cô Trần Thị An (quê ở Hưng Yên) thì Hà Nội là câu chuyện về bà cụ bán hàng góc phố gợi nhớ đến người mẹ ở quê.

“Cụ năm nay đã 92 tuổi rồi nhưng ngày nào cũng đi bán hàng ở góc phố Nguyễn Hữu Huân. Chỉ vài chiếc bánh đa với mấy thứ quà vặt cho người qua lại để lấy tiền trang trải cuộc sống qua ngày.

Gia cảnh cụ khó khăn lắm, có anh con trai thì lại mới bị tai nạn. Quen cụ nhiều năm nay, mỗi lần gặp nhau, tôi vẫn hay hỏi cụ có bán đắt hàng không. Gần như lần nào cụ cũng trả lời “ế lắm”.

Nhìn cụ tôi thấy thương, và lại nhớ đến mẹ bị tai biến ở quê. Hoàn cảnh của tôi cũng khó khăn, lên Hà Nội ở trọ, đi bán trứng dạo ở các con phố 20 năm nay. Thế nên chẳng giúp được cụ điều gì, chỉ động viên cụ mỗi lần gặp gỡ, cười nói với cụ mỗi lần đi qua để cho nhau thêm niềm vui mỗi ngày”. 

Hà Nội đong đầy kỉ niệm

Với nhiều lao động di cư ở Thủ đô, Hà Nội còn là nơi gắn kết tình cảm của những người cùng cảnh ngộ hay một ấn tượng đong đầy thành kỉ niệm khó quên.

Với Lưu Thanh Đông, 19 tuổi, quê Vĩnh Phúc, người dân tộc Sán Dìu đang học đồ họa tại Hà Nội thì Hà Nội là hình ảnh chị lao công tháo vát.

“Cuối tuần, khi mọi người vui chơi, đi bộ ngắm cảnh bờ hồ Hoàn Kiếm thì chị lao công vẫn miệt mài làm việc. Đã hơn 10 năm nay, chị gắn bó với nghề làm sạch cho thành phố. Chính nhờ bàn tay và công sức của chị mà phố phường sạch sẽ, hình ảnh Hà Nội văn minh và tâm lý mỗi người đi đường cũng thoải mái, sảng khoái hơn.

Là một sinh viên thiết kế đồ họa, tôi vẫn thường chụp hình như người công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội bởi tôi thấy quý mến và trân trọng sự đóng góp của họ cho thành phố cũng như tôi rất yêu vẻ đẹp trong lao động.

Nói chuyện với họ tôi thấy mặc dù công việc vất vả nhưng ở họ luôn toát lên sự vui vẻ, thân thiện và lạc quan” – Đông chia sẻ.

Hà Nội là hình ảnh hồ Gươm mỗi sáng sớm của người thợ làm móng dạo Đỗ Thị Út.

Hà Nội là hình ảnh hồ Gươm mỗi sáng sớm của người thợ làm móng dạo Đỗ Thị Út.

Nói về tình cảm với Hà Nội, Đỗ Thị Út, quê Hưng Yên chia sẻ: “Tôi làm móng dạo, gọi sang trọng là thợ làm nail. Hàng ngày phải dắt xe chở đồ nghề đi bộ khắp các con phố. Vì thế, xét về vận động thì tôi nghĩ mình chả cần tập thể dục nữa.

Thế nhưng cuộc sống lao động căng thẳng, nhiều thứ phải lo toan khiến đầu óc nhiều khi nặng nề. Vì vậy, tôi thường đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm cho đầu óc thư thái.

Ra đây, tôi được hít không khí trong lành, được ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thấy được mọi người đi lại, tập luyện. Tôi đã từng đi làm ở nhiều nơi, nhiều tỉnh, nhưng Hà Nội là nơi tôi gắn bó lâu nhất. Hà Nội mang lại cho tôi nhiều bạn bè và cả công việc. Ban đầu là những khách hàng rồi dần trở nên thân thiết.

Bây giờ, mỗi lần tôi về quê hay đau ốm là họ lại gọi điện hỏi thăm thân tình lắm. Mà tôi mỗi lần về quê là cũng thấy nhớ Hà Nội, nhớ khách hàng, bạn bè của mình ở đây”.

Hà Nội là những xe bán hoa tươi rực rỡ của Cứ Thị Mai.

Hà Nội là những xe bán hoa tươi rực rỡ của Cứ Thị Mai.

Cứ Thị Mai, dân tộc Mông, quê Mộc Châu, Sơn La thổ lộ: “Nếu sau này không sống ở Hà Nội nữa thì hình ảnh tôi nhớ về thành phố này chính là những chiếc xe đạp chở hoa. Đây cũng là điều khác biệt với quê tôi ở bản Phiêng Cành (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La).

Bởi người dân tộc Mông chúng tôi không có thói quen cắm hoa thờ cúng vào ngay Rằm, mùng Một. Phiên chợ ở bản tôi cũng không có những hàng hoa như ở đây.

Tôi ít mua hoa, bởi ở trọ trong căn phòng khá chật, không có cửa sổ nên thiếu không gian để cắm và thưởng thức. Hơn nữa, đi làm cả ngày, buổi tối mới về phòng trọ để nghỉ ngơi. Nhiều lúc nghĩ cũng thấy buồn vì điều kiện kinh tế không được như mình mong đợi. Thế nhưng không vì thế mà tôi thấy chán cuộc sống thành phố này.

Trái lại, tôi thấy so với những ngày đầu xuống đây, càng thấy yêu Hà Nội hơn khi dần quen với nhịp sống ở đây. Đợt vừa rồi, phải nghỉ việc vì dịch Covid, về quê gần 2 tháng.

Tôi thấy nhớ Hà Nội, nhớ căn phòng trọ của mình vô cùng. Giờ được trở lại Hà Nội, dù trong phòng trọ không có hoa nhưng mỗi ngày đi làm được ngắm những xe hoa, gánh hàng hoa của các cô bán rong, với tôi thế là đủ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ