Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, quyết tâm cao độ bảo vệ thành quả chống dịch

GD&TĐ - Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 của Thành phố quyết liệt, thực chất hơn; tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn mức Chỉ thị 16.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Chiều 6/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì họp thông tin về việc công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi Hà Nội ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố đến 6h00 ngày 23/8/2021.

Xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, tính từ 27/4 đến nay, toàn TP có 1.599 ca F0. Đặc biệt, từ 24/7, khi thực hiện giãn cách, Hà Nội ghi nhận hơn 900 ca và trong đó có hơn 500 ca ghi nhận trong cộng đồng. Hiện TP đang điều trị 882 ca, luỹ tích 1.438 và đã khỏi bệnh 501 ca.

Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, Sở Y tế đã phối hợp cùng các Sở, ban, ngành đã thực hiện tất cả các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các ca F0 ngoài cộng đồng, cách ly triệt để các trường hợp liên quan, giãn cách nhanh nhất các ổ dịch, cố gắng không để lây lan rộng.

Lãnh đạo TP nhận định tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, vẫn còn một số ổ dịch, những chùm ca bệnh và các ca ho, sốt ngoài cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các giải pháp dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố và phối hợp với các sở, ban, ngành.

Trong đó sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ (người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết), thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND. Tận dụng những ngày giãn cách xã hội, truy vết thần tốc các ca F0; trả kết quả xét nghiệm nhanh; rà soát tất cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở…; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng nhưng có trọng tâm tại các khu vực có nguy cơ cao; siết chặt công tác an toàn trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường trên địa bàn…

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin ngoài cộng đồng. Theo đó, hiện TP đã tiếp nhận 1.635.500 liều vắc xin. Riêng chiều qua (5/8), đã tiếp nhận thêm 584.884 liều của Bộ Y tế. Thành phố đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin, chiếm hơn 10% dân số.

Từ nay tới tuần sau, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân với 715 điểm tiêm cố định và lưu động như: các bệnh viện, trường học, Nhà văn hóa… đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND.

Hàng hóa đầy đủ, giá cả bình ổn

Về tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn TP, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan thông tin, khi thực hiện Chỉ thị 17 của UBND Thành phố, Sở Công thương đã chủ động các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hoá gấp 3 lần thông thường, với 194 nghìn tỷ đồng cho việc dự trữ hàng hoá, các doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng ở các kho lưu trữ. Trong quá trình thực hiện, Thành phố thường xuyên có văn bản tháo gỡ kip thời những vướng mắc trong quá trình lưu thông, vận chuyển.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan

Sở Công thương cũng đã phối hợp với các địa phương bố trí các điểm bán hàng lưu động phù hợp, vận động các đơn vị có những điểm bán hàng không thiết yếu chuyển sang bán hàng thiết yếu; tăng cường thương mại điện tử, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các khu vực cách ly...

Ngoài ra, Sở Công thương kích hoạt thêm 800 điểm bán hàng thiết yếu, đang phối hợp với Bưu điện Thành phố để mở thêm 472 điểm nữa và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên để mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhân dân.

Với phương châm chủ động nguồn cung, Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cơ cấu lại các vùng trồng, chuyển đổi trồng các loại rau ăn lá, rau ngắn ngày và chăn nuôi gia cầm để đáp ứng ngay nhu cầu tự cung tự cấp của nhân dân trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, ngoài 21 tỉnh, thành khu vực phía Bắc đang cung cấp cho thị trường Hà Nội, Sở Công thương đã phối hợp với một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, những tỉnh chưa có dịch để chủ động sẵn sàng thay thế nguồn cung cho các địa phương đang cung cấp cho Hà Nội nếu như có dịch.

“Chúng tôi khẳng định một lần nữa, trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 của UBND Thành phố, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, sốt hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu”, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Trong thời gjan tới, ngành Công thương tiếp tục rà duyệt các phương án, trình Thành phố ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa cho người dân khi tình hình dịch có diễn biến phức tạp, phối hợp với Sở Giao thông vận tải huy động các phương tiện vận tải để sẵn sàng tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn.

“Chúng tôi tin rằng, với tính chủ động của Hà Nội và sự triển khai đồng bộ của các Sở, ngành như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải thì việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục được đảm bảo”, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Về việc một số chợ đầu mối và một số cửa hàng Vinmart có F0 nên phải đóng cửa để phòng, chống dịch, quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đã phối hợp với các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo cân đối cung cầu. Đối với chợ đầu mối phía Nam, lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng gần 300 tấn hàng/ngày, lượng rau củ quả chiếm 1/3, trái cây 2/3 và chủ yếu từ các tỉnh phía Nam ra, như vậy lượng rau củ quả không lớn lắm nên chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình cung ứng của Hà Nội.

Còn đối với chợ đầu mối Minh Khai, hầu hết tiêu thụ sản phẩm của người dân tại các huyện của Hà Nội và một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Sở đã phối hợp với các huyện tập trung hàng hóa lại, giao cho hệ thống phân phối của các siêu thị thu mua nên giảm ở chợ đầu mối thì tăng ở các siêu thị, vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn một cách bình thường.

Thành phố cũng đang chỉ đạo Sở Y tế và Sở Công thương xây dựng hướng dẫn chung cho các điểm bán, khi có F0 phải đóng cửa và mở cửa trở lại phải đảm bảo yêu cầu dịch tễ. Dự kiến, sang tuần chợ đầu mối phía Nam sẽ hoạt động trở lại; còn chợ đầu mối Minh Khai đang triển khai phun khử khuẩn để nhanh chóng hoạt động trở lại.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tìm các điểm đất trống để giãn các chợ đầu mối hoặc nếu như các chợ đầu mối phải đóng cửa để phòng chống dịch. Hiện Sở đang dự kiến một số điểm, gồm Bến xe Hà Đông; cụm công nghiệp Nam Hà Nội; khu tái định cư tại Tiên Dược, Sóc Sơn; khu triển lãm tại 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm... để trung chuyển hàng hóa, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành.

“Tất cả các phương án này Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ, tích cực để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đảm bảo hiệu quả, quan trọng nhất là đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Người dân hãy khai báo y tế thường xuyên, nhất là khi ho, sốt

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm, thời gian qua Sở đã tuyên truyền rộng rãi cho người dân cẩn trọng và lưu ý khi chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, tránh chia sẻ thông tin chưa chính thống nhưng vẫn có những trường hợp đăng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook, Zalo và đã bị xử phạt. “Các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh đến người dân cần thận trọng trong chia sẻ thông tin, nhất là thông tin liên quan đến Covid”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ, SởThông tin và Truyền thông tiếp nhận thông tin chính thống để đưa tin chính xác, kịp thời, tránh việc đưa tin giật gân, không chính xác, tạo nên dư luận hoang mang không đáng có.

Cho biết Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận hệ thống công nghệ giúp truy vết F0, F1 và đang vận hành rất hiệu quả, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm đề nghị báo chí tăng cường tuyên truyền để người dân thường xuyên khai báo trên hệ thống y tế quốc gia, đặc biệt là khi ho, sốt, từ đó Sở sẽ chuyển thông tin để ngành Y tế tiến hành tầm soát, xác định sớm, khoanh vùng nhanh. Ngoài ra, người dân khi đi đến các địa điểm thì quét mã QRcode để có thể truy vết nhanh, khoanh vùng kịp thời nếu có trường hợp liên quan đến F0.

Khẩn trương và đảm bảo an toàn tiêm chủng

Ông Chử Xuân Dũng-Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố
Ông Chử Xuân Dũng-Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố

Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố khẳng định: Cả hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố; người dân đồng tình ủng hộ, do đó, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định trong phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn phức tạp, khó lường, số ca trong cộng đồng còn cao. Vì vậy, Thành phố đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 nhằm tiếp tục cách ly toàn xã hội thêm 15 ngày, đến 6h ngày 23/8/2021 trên phạm vi toàn Thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh, trong Công điện đã nêu rõ các nhóm vấn đề để tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch theo Chỉ thị 17/CT-UBND, trong đó, triển khai hoạt động thực chất, chặt chẽ hơn: giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đồng thời, kiên quyết kiên quyết yêu cầu người dân.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêmcông tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch đồng thời nhấn mạnh, chỉ những người được phép, thực hiện nhiệm vụ trực cơ quan, nhiệm vụ cấp bách được đến nơi làm việc và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Ông Chử Xuân Dũng cũng nêu, Công điện tiếp tục huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, nhất là hệ hống chính trị tại cơ sở để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện các công việc xuyên suốt trong phòng, chống dịch, trong đó ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch trong thời gian ngắn nhất; xây dựng các phương án chuẩn bị cho công tác điều trị… Bên cạnh đó, Thành phố chủ động, duy trì bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và có chỉ đạo cụ thể, cung cấp đầy đủ, không tăng giá hàng hóa…

Liên quan đến công tác an sinh xã hội, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, triển khai công tác trên theo Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố cũng đã triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn không thuộc đối tượng của Nghị quyết 68/NQ-CP. Nhiều địa phương còn có cơ chế riêng đối với các đối tượng, hộ gia đình khó khăn… Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát nhóm đối tượng bị tác động, gặp khó khăn không thuộc các nhóm trong Nghị quyết 68/NQ-CP để hỗ trợ kịp thời…

Về công tác tiêm vắc xin, ông Chử Xuân Dũng cho biết, Thành phố đã chỉ đạo tiêm khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các đơn vị sử dụng phần mềm tiêm chủng và hướng dẫn người dân khai báo y tế trước nhằm tránh mất thời gian đi lại cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 về giãn cách xã hội đến ngày 23/8 Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 của UBND Thành phố, chủ trương của Hà Nội là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày, đến ngày 23/8.

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong

Phân tích về quyết định này, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, từ ngày 24/7 đến nay, sau gần 2 tuần, Chỉ thị 17 đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Có kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của người dân, của các doanh nghiệp, các đơn vị từ Trung ương đến Thành phố đã đồng tình, ủng hộ. Dư luận xã hội cũng như các chuyên gia đánh giá việc Thành phố thực hiện Chỉ thị 17 từ ngày 24/7 là đúng, trúng, kịp thời.

Tuy có những mặt được là cơ bản, nhưng cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên thực tế Hà Nội không thể “đóng cứng”, vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, xung quanh Hà Nội, các tỉnh vẫn có dịch; các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh...

Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... Tiếp nữa, còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây. “Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được”, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. Hơn nữa, việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch.

Trong giai đoạn này cũng là cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh. “Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình như vậy, qua báo cáo của các ngành, tư vấn của chuyên gia, Thành phố quyết định thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Ông Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, với quan điểm luôn luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước so với diễn biến tình hình dịch bệnh, Thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chuẩn bị cho việc này. Vừa qua, Thành phố đã đưa vào sử dụng một bệnh viện, trung tâm thu dung, điều trị những người mắc F0 thể nhẹ tại Đền Lừ, Hoàng Mai với quy mô 1.000 giường và tới đây tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 5.000 giường.

Chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đối với UBND Thành phố là trong thời gian ngắn nhất phải chuẩn bị 30.000 chỗ để thu dung, điều trị các ca F0 thể nhẹ. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có đề án, phân bổ thêm 2.500 giường bệnh cho Hà Nội; phối hợp với Thành phố thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Hoàng Mai, với quy mô 500 giường.

Song song với đó, Thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện chủ động thêm mỗi đơn vị từ 3.000-5.000 giường cách ly F1. Bên cạnh việc mua sắm trang thiết bị, bổ sung năng lực cho hệ thống y tế của Thành phố, Hà Nội cũng làm việc với các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn để cùng phối hợp trong xét nghiệm cũng như điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Đặc biệt, bên cạnh các chính sách chung của Chính phủ, Thành phố đã rà soát, quyết định hỗ trợ thêm cho các đối tượng, ngoài 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. “Đây là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và nhân dân Hà Nội cùng chăm lo cho các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Xác định cuộc chiến phòng, chống dịch còn dài, nên Hà Nội cũng có nhiều giải pháp phân công lại nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nhằm giảm tải cho các lực lượng tuyến đầu để có thể đảm bảo hoạt động trong thời gian dài, nhất là y tế, lực lượng vũ trang, công an.

Đáng chú ý, Thành phố đã quyết định trong giai đoạn hiện nay, để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm từ giảm hội họp, đi công tác, Thành phố quyết định tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên, trừ các nội dung liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch.

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, xuyên suốt công tác phòng, chống dịch thì Thành phố luôn xác định, sự đồng lòng của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mang tính quyết định thành công hay không thành công. Chính vì thế, từ đồng chí Bí thư Thành ủy đến cả Thành ủy đều thống nhất phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, thực chất hơn, sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch; trong đó tập trung động viên, khích lệ, đề cao và phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở; vai trò của người dân, tự nguyện, tự giác tham gia công tác phòng, chống dịch.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 17 của Thành phố, ông Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành phố xác định đây là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, nên Thành phố đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn... và sẽ tiếp tục điều chỉnh. “Tinh thần là chủ động, bám sát thực tiễn, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là các quận, huyện, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Cho rằng có những kết quả bước đầu trong thời gian vừa qua là tổng hợp của các yếu tố, trong đó có sự chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ của Bộ Y tế, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố, đặc biệt là vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố trong việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Tinh thần là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 của Thành phố quyết liệt, thực chất hơn; tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn mức chỉ thị 16 của Thủ tướng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ