Quyết liệt từ cơ sở
Ông Lê Bá Mão – Trưởng ban bảo vệ dân phố, Đội trưởng Đội bắt chó thả rông phường Khương Đình cho biết, việc bắt chó thả rông được thực hiện trên khắp các ngõ ngách của phường, chia làm hai ca từ 5 giờ 30 - 7 giờ và từ 17 giờ 30 - 18 giờ 30. Chó thả rông, chó đi cùng chủ nhưng không có dây xích, rọ mõm đều bị bắt giữ.
“Những con chó bị bắt sẽ được đưa về nhà hội họp khu dân cư số 8 phường Khương Đình chăm sóc và nhốt tại đó. UBND phường sẽ thông báo trên loa truyền thanh. Khi nào chủ nhân của những con chó này mang giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận tiêm phòng dại cho chó, đồng thời nộp phạt theo quy định thì sẽ được trả lại chó bị bắt…” - ông Mão thông tin.
Ông Mão cho biết, những ngày đầu, đội bắt chó thả rông của phường gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện, kỹ thuật và thái độ phản ứng từ phía người dân. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền về lợi ích của việc xử lý chó thả rông nhằm giữ vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dại thì nhân dân hoàn toàn ủng hộ.
Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình Nguyễn Thị Hà Phương cho biết, việc bắt chó thả rông tại phường đã được thực hiện từ tháng 7/2018. Mỗi tổ bắt chó gồm 10 thành viên, được trang bị vợt lưới, rọ sắt, thòng lọng, thậm chí được tiêm phòng dại 3 mũi trước khi thực hiện nhiệm vụ này… Từ khi hoạt động đến nay, đội đã bắt giữ được 13 con chó, xử phạt chủ chó với tổng số tiền lên đến gần 10 triệu đồng.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm Thú y Thanh Xuân, (TP Hà Nội) cho biết, ước tính trên địa bàn quận Thanh Xuân có hơn 2.300 con chó. Tình trạng nuôi chó thả rông, phóng uế bừa bãi khiến người dân bức xúc. “Hoạt động của các đội săn bắt chó thả rông nhận được sự đồng tình của người dân.
Tuy nhiên, những thành viên trong đội còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống, không có xe chuyên dụng và chưa có nơi nhốt chó. Quận Thanh Xuân cũng đưa ra phương án, để UBND các phường thành lập những đội xung kích và tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh dại và bắt chó thả rông...”, bà Hương thông tin.
Còn nhiều khó khăn
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện đã triển khai thí điểm bắt chó thả rông xuống các phường. Các tổ bắt giữ chó đi vào hoạt động đã đem lại lợi ích nhất định, nhất là được nhân dân đồng tình ủng hộ. Người dân đã có ý thức trong việc đưa chó xuống đường là phải rọ mõm, có xích và người dắt. Đồng thời, chính quyền các phường cũng nhìn nhau để học tập kinh nghiệm áp dụng cho phù hợp.
Bên cạnh những mặt tích cực, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà chính quyền cơ sở cũng như các đội săn bắt chó thả rông gặp phải như: Đội, tổ bắt giữ chó thả rông phải hoạt động thường xuyên, nhất là buổi sáng sớm và chiều tối, bởi đó là thời gian chó được thả rông ra ngoài đường nhiều nhất. Cùng với đó, ý thức của người dân chưa cao khi để cho chó thả rông, phóng uế ra đường; các phường chưa có xe chuyên dụng, thức ăn và phải cắt cử người trông nom, chăm sóc chó…
“Chi cục sẽ tham mưu cho thành phố, có một nơi chung giữ chó để dễ quản lý. Đồng thời, hoàn thiện kế hoạch thành lập đội chuyên nghiệp vào đầu năm 2019. Đội sẽ được trang bị xe, thiết bị chuyên dụng đi luân phiên các quận, huyện để bắt chó thả rông, phòng bệnh dại…” - ông Sơn thông tin.