UBND quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn quận này hiện có 3.066 con có mèo (2.312 con chó, 754 con mèo). Chủ động phòng chống bệnh trên địa bàn, UBND quận Thanh Xuân đã triển khai mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại”.
Đặc biệt, một số cán bộ của Hà Nội còn được cử vào TP Hồ Chí Minh tìm hiểu mô hình bắt chó thả rông. Từ đó, xây dựng phương án phù hợp với điều kiện của TP Hà Nội.
Bà Mai Thị Lan Hương – Trạm trưởng Trạm Thú y Thanh Xuân cho biết, đến nay có 9/11 lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Mỗi tổ gồm 5 người sử dụng xe máy và dụng cụ chuyên dụng đi bắt chó thả rông trên địa bàn.
Bước đầu triển khai, đội phản ứng nhanh phường Khương Đình đã bắt được 7 con chó thả rông, Kim Giang 1, Thượng Đình 1. Số tiền xử phạt gia chủ 9 con chó thả rông là 6,2 triệu đồng.
Theo bà Hương, số chó thả rông trên địa bàn quận chủ yếu là chó cảnh. Sau khi bị bắt, những con chó này thường được chủ đến phường nộp phạt xin chó về. Người dân cũng nhận thức được những vấn đề liên quan đến chó thả rông, nên dù bị phạt họ cũng chấp thuận và không gây khó dễ cho đội phản ứng nhanh.
“Với những con chó sau 72 tiếng bắt giữ, không có chủ đến nhận về, chúng tôi sẽ lên phương án tiêu hủy”, bà Hương nói và cho biết, chó bị bắt về các phường được nuôi nhốt cẩn thận. Đặc biệt, lực lượng thú y quận sẽ cách ly chó để theo dõi bệnh dại.
Một trong những điểm băn khoăn nhất của lực lượng chức năng của quận Thanh Xuân hiện nay là quy trình tiêu hủy chó chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa biết thực hiện bằng phương án nào cho phù hợp.
Ngoài ra, theo bà Hương hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội người dân nhập rất nhiều chó ngoại lai, có kích thước to lớn và rất hung dữ nên gây khó khăn trong công tác quản lý.
“Loại chó này có đầy đủ giấy tờ, gia chủ cũng chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên, dù được nuôi nhốt cẩn thận nhưng chó có đặc tính rất hung dữ, nếu sổng chuồng rất nhiều nguy hiểm cho người dân”, bà Hương nói.