Hà Nội tháo gỡ tình trạng quá tải trường lớp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tháo gỡ tình trạng quá tải ở các trường học là chủ đề được quan tâm của ngành Giáo dục Thủ đô, nhất là khi mật độ dân số tại thành phố ngày càng tăng.

Trường THCS Linh Đàm nằm trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai được xây mới khang trang, hiện đại. Ảnh: TG
Trường THCS Linh Đàm nằm trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai được xây mới khang trang, hiện đại. Ảnh: TG

Xây mới trường học

Cuối tháng 3/2024, quận Hoàng Mai tổ chức khởi công xây dựng mới 1 trường mầm non và 2 trường tiểu học trên địa bàn phường Hoàng Liệt, đơn vị phường có quy mô lớn nhất thành phố với hơn 100 nghìn dân. Mặc dù, phường có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS nhưng luôn trong tình trạng quá tải.

Bày tỏ niềm vui khi biết tin phường sẽ có thêm trường học mới, anh Nguyễn Thành Nam (khu dân cư Bằng A, phường Hoàng Liệt) cho biết: Những năm vừa qua, Hoàng Liệt là điểm nóng về tuyển sinh đầu cấp với các lớp học quá tải. Hy vọng sau khi các trường mới đi vào hoạt động, học sinh trên địa bàn phường có suất học tại trường công lập thay vì bốc thăm như những năm trước.

Năm học 2024 - 2025, dự báo số học sinh đầu cấp của Hà Nội tăng mạnh so với năm học trước. Cụ thể, số trẻ vào lớp 1 tăng hơn 7 nghìn, lớp 6 tăng hơn 58 nghìn, lớp 10 tăng hơn 5 nghìn. Số học sinh tăng mới trong 2 năm của Hà Nội tương đương tổng số học sinh phổ thông của nhiều địa phương như Cao Bằng, Lai Châu, Ninh Thuận, Gia Lai...

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, thành phố đang thiếu 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Hoàng Mai). Thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024.

Ông Võ Xuân Trọng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết: Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với khoảng 700 nghìn người, trong đó hơn 100 nghìn học sinh trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4 nghìn em.

Trong những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của quận gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong đó có năm phải thực hiện bốc thăm tuyển sinh trẻ mầm non. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của thành phố và triển khai nhiều giải pháp của quận, vấn đề này dần được khắc phục, không còn tình trạng bốc thăm vào lớp mầm non.

Trong 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới 23 trường học, cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập có số học sinh theo học chiếm 19% tổng số học sinh trên địa bàn cũng giúp giảm tải áp lực cho các trường công lập.

Quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học. Quận cũng thông qua quyết nghị chủ trương đầu tư 4 dự án mới, tổng mức đầu tư hơn 1.076 tỷ đồng để xây dựng 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THPT trên địa bàn phường Hoàng Liệt, nhằm giảm áp lực về trường lớp.

Dự án xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất F4/TH2 là 1 trong 4 dự án xây trường học trên địa bàn phường Hoàng Liệt đang triển khai. Ảnh: TG

Dự án xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất F4/TH2 là 1 trong 4 dự án xây trường học trên địa bàn phường Hoàng Liệt đang triển khai. Ảnh: TG

Giảm căng thẳng kỳ thi vào lớp 10

Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội luôn được coi là kỳ thi căng thẳng với tỷ lệ chọi cao. Để 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường THPT công lập, bên cạnh công tác dự báo, thành phố đã kịp thời đưa ra những giải pháp căn cơ để đảm bảo đủ chỗ học, trong đó có xây thêm 16 trường THPT mới.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2024 - 2025 dự kiến có gần 135 nghìn học sinh (tăng trên 5 nghìn em so với năm học 2023 - 2024). Năm học 2025 - 2026, dự kiến có xấp xỉ 130 nghìn học sinh (tăng khoảng 680 em so với năm học 2023 - 2024). Năm học 2026 - 2027, dự kiến có hơn 151 nghìn học sinh (tăng gần 23 nghìn em so với năm học 2023 - 2024).

Trước tình hình trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập. Theo đó, đối với trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp thành phố có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng; trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.

Bên cạnh đó, Hà Nội tích cực rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp và trong khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn, đặc biệt tại nơi thiếu trường, lớp học; thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập.

Thành phố cũng ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường CĐ, ĐH ra khỏi khu vực nội đô, ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập, đặc biệt tại khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Với áp lực từ gia tăng dân số cơ học, số học sinh hằng năm tăng mạnh, Hà Nội đối diện với không ít khó khăn, thách thức trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Đây là một trong những hạn chế, tồn tại được sở thẳng thắn nhận diện và thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục.

Sở đã tham mưu lãnh đạo thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; đề xuất cơ chế đặc thù cho các địa bàn đông dân cư; rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học; điều chỉnh tuyến tuyển sinh hằng năm cho phù hợp với số lượng gia tăng ở từng địa bàn…

Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường tăng cường đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024 - 2025. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, giải quyết hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh tại một số trường như từng xảy ra trong kỳ tuyển sinh năm trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ