Hà Nội tăng cường xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia

Hà Nội tăng cường xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia

(GD&TĐ) - Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 122 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2013 và đến năm 2015 có 50-55% trường đạt chuẩn quốc gia, Hà Nội cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đảm bảo đủ diện tích đất cho các trường học đạt tiêu chuẩn về chuẩn quốc gia, tăng cường mọi nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT.

Càng nhiều trường đạt chuẩn quốc gia sớm bao nhiêu, học sinh càng được hưởng lợi nhiều bấy nhiêu.
Càng nhiều trường đạt chuẩn quốc gia sớm bao nhiêu, học sinh càng được hưởng lợi nhiều bấy nhiêu.

Trong năm 2012, Hà Nội đã có thêm 114 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 114% kế hoạch mà UBND thành phố giao. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2012, Hà Nội có 767 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 2.393 trường, đạt tỷ lệ 32,1%. Trong đó, giáo dục tiểu học đạt tỷ lệ cao nhất với 49,9%, tiếp đến là giáo dục THCS 38,4%, cấp học có tỷ lệ thấp nhất là THPT 14,4% và mầm non 17,9%.

Nhiều địa phương đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch như: Huyện Hoài Đức, quận Hà Đông, huyện Sóc Sơn, huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị thực hiện không đủ chỉ tiêu kế hoạch như các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Từ Liêm.

Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho ngành GD-ĐT sẽ có thêm 122 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó khối quận, huyện là 116 trường, đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT là 6 trường. Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 122 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2013 và đến năm 2015 có 50-55% trường đạt chuẩn quốc gia, Hà Nội cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đảm bảo đủ diện tích đất cho các trường học đạt tiêu chuẩn về chuẩn quốc gia, tăng cường mọi nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT.

Hầu hết các quận, huyện đều thể hiện rõ quyết tâm trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Nhiều quận, huyện đặt ra chỉ tiêu thực hiện cao, như Long Biên phấn đấu đạt 90% trường chuẩn quốc gia vào năm 2015, Thanh Trì 70%, Hoàng Mai 60%. Các đơn vị khác sẽ tập trung ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục đẩy mạnh các đề án về mua sắm trang thiết bị, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học để đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Công tác triển khai, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2013 phải được thực hiện ngay từ đầu năm. Thành phố cần quan tâm và rút ngắn thời gian công tác quy hoạch đất cho các trường, ưu tiên quỹ đất cho GD-ĐT, nhất là các quận nội thành, hỗ trợ kinh phí cho các huyện khó khăn về kinh phí, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ nay đến năm 2015 đòi hỏi sự nỗ lực của toàn thành phố. Càng nhiều trường đạt chuẩn quốc gia sớm bao nhiêu, học sinh thành phố càng được hưởng lợi nhiều bấy nhiêu.

Hiện nay, Hà Nội có 2.434 trường học, hơn 1,5 triệu học sinh và 110 nghìn cán bộ, giáo viên. Mục tiêu của ngành GD-ĐT Hà Nội là đến năm 2015, toàn thành phố sẽ có khoảng 50% - 55% số trường đạt chuẩn. Thành phố đã bổ sung, thay thế gần 5.000 phòng học mới, 36 trường học mới. Mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường trong năm 2012 là 2.253 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2011.

Trong thời gian tới, các đơn vị cần xác định 5 rõ: Rõ quan điểm, mục tiêu; Rõ lộ trình, thời gian triển khai; Rõ giải pháp thực hiện; Rõ trách nhiệm; Rõ kinh phí đầu tư. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các trường THPT xây dựng đề án riêng về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và sẽ tiến hành kiểm tra đề án này để nâng tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn trong những năm tới.

Quỳnh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.