Chuẩn bị tốt điều kiện triển khai chương trình GDPT mới
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp cơ bản theo tinh thần Chỉ thị 666/CT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và Chỉ thị 16/CT-UBND của UBND TP.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT Hà Nội trong năm học mới là đổi mới chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kĩ năng sống, đảm bảo an toàn trường học.
Mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị trong việc giải quyết các vấn đề trong và ngoài trường học trên địa bàn như bạo lực học đường, an toàn giao thông, bán hàng quán trước cổng trường, tệ nạn xã hội..., tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong học sinh.
Đối với giáo dục mầm non, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ khuyến khích xây dựng phát triển Chương trình giáo dục nhà trường. Đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục “Học thông qua vui chơi, trải nghiệm”; phát huy sáng tạo, đổi mới của giáo viên, tạo hứng thú cho trẻ học tập chuẩn bị tâm thế vào lớp 1.
Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tăng tỷ lệ huy động trẻ em 4 tuổi đi học trong điều kiện đảm bảo để thực hiện phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi khi Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phê duyệt.
Đối với giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 từ năm học 2020-2021; tiếp tục rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1 trong năm học 2020-2021.
Tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện việc bảo đảm sách giáo khoa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; hướng dẫn, kiểm tra công tác chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2, lớp 6.
Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học. Thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Quan tâm phát triển giáo dục toàn diện
Ngoài quan tâm đến việc "dạy chữ", ngành GD-ĐT Hà Nội còn quan tâm đến việc thực hiện hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm.
Cùng với đó là việc thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vào các môn học chính khóa. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, ngành GD-DT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trong các cơ sở giáo dục; xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục thể chất, y tế trường học. Nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong hoạt động giáo dục thể chất; chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch, bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19.
Trong năm học tới, ngàn GD-ĐT Hà Nội tiếp tục tham mưu và hoàn thành xây dựng trường, lớp học, từng bước thực hiện quy hoạch, đề xuất xây mới, bổ sung quỹ đất và sắp xếp lại các trường học trên địa bàn Thành phố; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập ở các khu vực ngoại thành, vùng khó khăn.
Rà soát trường, lớp học để đề xuất kế hoạch bổ sung trường lớp, mở rộng diện tích khuôn viên trường học đảm bảo đạt chuẩn. Tham mưu với Thành phố xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân, tái định cư nhằm đảm bảo có đủ chỗ học cho học sinh các cấp học.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa hiện đại hoá trường, lớp học, có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường học; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy học ngoại ngữ và triển khai áp dụng công nghệ số trong dạy học.