Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của bão số 13 gây mưa trên diện rộng khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội trở nên kẹt cứng, tê liệt trong giờ cao điểm. Chuyên gia giao thông dự đoán, với tình hình như hiện tại, vấn nạn tắc đường sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm.
Hàng giờ “chôn chân” tại điểm ùn tắc
Theo ghi nhận của Lao Động trong ngày 16.11, cơn mưa tiếp tục kéo dài khiến việc di chuyển, sinh hoạt trong ngày đầu tuần của người dân Thủ đô trở nên khó khăn.
Cụ thể, tình trạng ùn tắc diễn ra tại hàng loạt tuyến đường như: Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ; Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Ngã Tư Sở; Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến và Phạm Hùng; Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy - Cầu Giấy.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (trú tại Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) cho biết, mưa triền miên nên anh không thể đi làm và đưa con đi học bằng xe máy nên đành gọi xe taxi đưa đón. Do nhiều người chung hoàn cảnh như anh Khánh nên hiện tượng ùn ứ giao thông tại các điểm trường vẫn diễn ra.
Chị Trần Ngọc Linh (trú tại Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) chia sẻ: "Tôi đã gọi Grab nhưng hơn 1 tiếng rồi vẫn chưa thể về được. Xem trên app thì thấy bác tài xế vẫn loay hoay tới đón dù khoảng cách không quá xa”, chị Linh ngao ngán.
Mưa không to nhưng đường phố đã tê liệt
Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trời mưa khiến người dân thay đổi thói quen sử dụng phương tiện hằng ngày là một phần gây ách tắc giao thông, nhưng đây không phải là nguyên nhân gốc rễ xảy ra tình trạng tắc đường.
Theo ông Liên, vấn nạn ùn tắc giao thông sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, thậm chí có thể kéo dài đến hết thập kỷ mà vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
“Tầm nhìn trong quy hoạch giao thông của thành phố Hà Nội đã được thực hiện rất sớm và đầy đủ. Tuy nhiên trong khâu triển khai lại chưa đạt được những quy định đề ra nên đã tạo ra những nút thắt trong nội thành Hà Nội. Đơn cử như đường Vành đai 3 trên cao (đoạn qua Khuất Duy Tiến) được quy hoạch cách đây nhiều năm nằm ngoại thành Hà Nội, nhưng hiện tại lại trở thành nằm giữa trung tâm Hà Nội. Đường trên cao chỉ cần tắc nghẽn sẽ dẫn đến một loạt các đường cắt ngang bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng ách tắc nhiều điểm”, ông Liên giải thích.
Cũng theo ông Liên, gần đây, Hà Nội chỉ xuất hiện những cơn mưa vừa và nhỏ nhưng giao thông đã chịu cảnh kẹt cứng, tê liệt. Nếu Hà Nội phải đón các trận mưa lớn hơn, cùng thời tiết phức tạp thì giao thông Thủ đô sẽ rất khó kiểm soát.
Trước vấn đề này, vị chuyên gia giao thông kiến nghị, thành phố Hà Nội và các đơn vị có trách nhiệm cần thống nhất đưa ra Nghị quyết để giải quyết vấn đề ùn tắc tại Thủ đô. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp ngắn và dài hạn để tổ chức giao thông thông minh như Nhà nước mới đây đã đề xuất.
“Thành phố thông minh, giao thông thông minh, cần được nhanh chóng áp dụng, triển khai đồng bộ bằng tinh thần quyết liệt, khẩn trương mới có thể mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, vấn nạn xe dù bến cóc cần xử lý triệt để vì đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến ách tắc giao thông”, ông Liên nói.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Lao Động, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, nắm được tình hình thời tiết tại khu vực Hà Nội, ngay từ 5h30 sáng, đơn vị tổ chức cho các cán bộ chiến sĩ chủ động tiếp cận các tuyến đường có nguy cơ ùn ứ như: tuyến Nguyễn Phong Sắc – Xuân Thủy hay Trung Kính – Vũ Phạm Hàm và một số điểm nóng khác, qua đó phối hợp cùng các địa bàn giáp ranh để điều tiết, phân luồng giao thông.
Thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 thông tin, trời mưa khiến lượng phương tiện ô tô tham gia giao thông tăng đột biến, đơn vị đã bố trí lực lượng theo phương án đã được phân công tại các điểm nóng giao thông. Đồng thời các tổ tuần tra cũng thường xuyên tuần tra trên tuyến để hỗ trợ các chốt chống ùn tắc và giải quyết vấn đề ách tắc trong thời gian sớm nhất”, Thiếu tá Đức cho hay.