Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn |
Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình đô thị trung tâm tính từ vành đai 3 (đường Phạm Hùng) chạy qua Mỹ Đình, trở vào khu Hồ Gươm, vòng xuống Thanh Xuân.
Khu đô thị này sẽ được phát triển ra bên ngoài tới vành đai 4. Tuy nhiên, nó sẽ không phát triển ra bên ngoài theo kiểu vệt dầu loang tới vành đai 4 ngay mà sẽ có một hành lang xanh - vành đai xanh. Vành đai này hiện được giới hạn bởi sông Nhuệ, hiện giờ đang khô cạn nhưng tới đây thành phố sẽ làm sống lại và trồng thêm nhiều cây xanh...
Từ đấy, có một chuỗi đô thị phát triển sát sông Hồng về phía Bắc men theo phía Đông vành đai 4, chạy xuống Hà Đông, vòng về Thanh Trì và nó sẽ phát triển khu đô thị mới chạy dọc theo hướng như vậy.
Tiếp đến là chuỗi các đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên... sẽ hỗ trợ cho việc giãn dân, tạo công ăn việc làm, giải quyết được vấn đề đô thị và giảm tải sự phát triển của đô thị lõi ra phía ngoài. Khi các đô thị vệ tinh và đô thị chuỗi vành đai 4 sẽ là điều kiện để phát triển hơn nữa cuộc sống bên ngoài tốt hơn thì người dân sẽ tự đi ra ngoài với việc kết nối bằng các trục giao thông, cụ thể là trục đường Láng – Hòa Lạc hiện đang được mở rộng.
Cùng đó là trục đường Thăng Long, nối từ đường Hoàng Quốc Việt cắt Phạm Hùng, chạy thẳng lên Ba Vì. Ngoài ra, trục đường 6 sẽ cải tạo mở rộng, bên cạnh đó có trục Xuân Mai đi về Hà Nội, và phía Nam có đường quốc lộ 1A, 1B kết hợp các vệ tinh lại với nhau. Như vậy, hệ thống giao thông sẽ rất thông thương. Trong tương lai, người dân sẽ không thấy có sự phân biệt giữa Hà Nội với Hà Tây cũ.
Được biết, Đồ án dự kiến xây dựng hệ thống vành đai xanh, chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên (đất cây xanh trong đô thị sẽ được tăng từ 2-3 m2/người lên 10 - 15m2/người, cải thiện môi trường sống của đô thị), có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá và kiểm soát lũ lụt. Hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tích kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh.
Vành đai xanh sông Nhuệ tạo vùng đệm cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai IV kiểm soát phát triển lan tỏa tự phát. Trong vành đai xanh sông Nhuệ tiến tới không phát triển dân cư đô thị, chỉ có các làng xóm bảo tồn và công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.
Về mạng lưới không gian xanh, đất cây xanh trong đô thị sẽ được tăng từ 2-3 m2/người lên 10-15m2/người, cải thiện môi trường sống của đô thị. Khai thác bảo vệ cảnh quan các hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ, kết nối với các công viên đô thị và công chuyên đề như: Công viên Lịch sử Cổ Loa, Đền Sóc; công viên văn hóa gắn với trung tâm các khu đô thị, khu làng nghề trồng hoa, gốm sứ...; Công viên vui chơi giải trí Hồ Tây, Vườn thú, Công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì…; các công viên thể thao, phục vụ các hoạt động thể thao (Khu liên hợp Thể thao quốc gia, trung tâm thể thao…).
Hà Nội nghìn năm tuổi sẽ có diện mạo mới... |
Ông Nguyễn Đình Toàn cũng cho biết, cơ cấu đô thị sẽ có sự thay đổi, cụ thể là sẽ phát triển đô thị lõi, rồi đô thị vệ tinh và đô thị sinh thái cũng phát triển. Các đô thị Sóc Sơn, Long Biên, Gia Lâm đều sẽ được chỉnh trang, quản lý theo quy hoạch mới để sao cho giữ được không gian xanh và mặt nước.
Được biết, Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” cũng rất quan tâm đến y tế, giáo dục. Việc chuyển các trường học, bệnh viên ra ngoài như thế nào cũng đang được tư vấn tính toán sao cho hợp lý.
“Những trường học, bệnh viên cũ với cơ sở nền tảng có từ lâu có nên để ở lại hay không cũng còn là một vấn đề phải nghiên cứu. Đối với các bệnh viên như Bạch Mai, Việt Đức... nếu để nguyên thì sẽ quá tải. Vì vậy, trong Đồ án đang nghiên cứu và đề xuất những vị trí với tên gọi mới Việt Đức 2, Việt Đức 3 hay Bạch Mai 2, Bạch Mai 3... .kể cả Bệnh viện Mắt cũng thế. Phải trả lại khuôn viên ban đầu cho những bệnh viên cũ để khỏi phải cơi nới và đưa những trung tâm y tế mới ra bên ngoài để người dân khi có việc tới bệnh viên thì không nhất thiết phải vào bệnh viện trung tâm” – ông Nguyễn Đình Toàn phân tích.
Về Dự án quy hoạch hai bên sông Hồng trước, ông Nguyễn Đình Toàn cho biết, dự án này đã được cập nhật vào đồ án quy hoạch chung này. Nhưng do đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được lập khi chưa có sự mở rộng địa giới hành chính Thủ đô nên khi sáp nhập rồi thì sự tính toán về mật độ xây dựng, dân cư sẽ có sự thay đổi. Cụ thể, những trục đường, tuyến vành đai xanh trong dự án sẽ không có nhà để xây dựng nữa, ví dụ như khu vực Hồ Tây khi nhìn sang bên kia bờ là sông Hồng, trước đây trong dự án dự tính sẽ xây dựng nhiều nhà cao tầng, tuy nhiên, hiện tư vấn có kiến nghị giảm tối thiểu mật độ xây dựng nhà nhằm tạo một không gian mở.
Trần Nhật