Hà Nội quyết tâm không để thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Hà Nội vừa tổ chức xong kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2020 với gần 4.000 chỉ tiêu.

Không để thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới.
Không để thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới.

Sau khi có kết quả vào cuối tháng 4, nhiều nhà trường sẽ giải được bài toán thiếu giáo viên để chuẩn bị nguồn lực bắt nhịp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nội vẫn thiếu giáo viên trầm trọng.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để dạy học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần, Hà Nội cần khoảng 1.500 giáo viên tiếng Anh tiểu học. Hiện thành phố có 800 giáo viên, như vậy cần tuyển mới khoảng 700 người.

Ông Tiến cho rằng: Vấn đề nguồn tuyển không quá lo ngại vì Hà Nội có nhiều cơ sở đào tạo GV tiếng Anh như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và 2, Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, Trường ĐH Thủ đô... đều đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh.

Vấn đề phải có cơ chế, định mức để tuyển dụng. Hiện, định mức để dạy học 2 buổi/ngày các môn ở tiểu học mới là 1,5 GV/lớp.

Trong khi đó, theo ông Tiến, để dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày với các môn học mới, công tác chủ nhiệm...  cần ít nhất 1,8 GV/lớp mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên Lưu Luyến cho biết: Phú Xuyên còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình mới cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. Trong đó, các trường trên địa bàn đang thiếu khoảng 110 giáo viên. 

Thiếu hụt lớn nhất hiện nay là giáo viên môn Tiếng Anh, các trường phải phân công, bố trí giáo viên dạy đủ tiết khá khó khăn.

Do thiếu giáo viên tiếng Anh, nhiều trường tiểu học muốn thúc đẩy chất lượng môn học này đã liên kết với các trung tâm để dạy bổ trợ.

Theo đó, học sinh lớp 1 - 2 học tự chọn 2 tiết/tuần để làm quen nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ lớp 3 (4 tiết/tuần).

Riêng lớp 3 - 5, ngoài 2 tiết/tuần với giáo viên của trường, nhiều trường cũng liên kết với trung tâm, có thêm giáo viên nước ngoài dạy bổ trợ 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, với dạy học liên kết, hằng tháng, phụ huynh phải đóng tiền.

Thầy Phan Dân - Hiệu trưởng Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình) cho hay: Không chỉ thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, trường còn thiếu giáo viên bộ môn Giáo dục công dân.

Trường đang phải bù lấp chỗ thiếu bằng cách ký hợp đồng với 16 giáo viên. Thầy Dân đề nghị: Bộ Nội vụ cần điều chỉnh biên chế phù hợp để quận có giải pháp tháo gỡ cho các trường có đủ giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ. 

Cô Lê Hoàng Châu - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) cũng đề xuất: Cần tăng biên chế cho môn Tin học, Ngoại ngữ và Trải nghiệm.

Chỉ tiêu ngoại ngữ dành cho THCS là 2 tiết/tuần, triển khai Chương trình, SGK mới sẽ là 3 tiết/tuần, trong khi tỷ lệ giáo viên không thay đổi.

Điều này dẫn đến thiếu người dạy, trong khi việc ký hợp đồng bên ngoài phải theo quy định chỉ tiêu biên chế, gây khó cho nhà trường…

Cần kịp thời bổ sung giáo viên Tin học.
Cần kịp thời bổ sung giáo viên Tin học.

Đề xuất tăng định biên 

Trưởng phòng GD&ĐT Phú Xuyên Lưu Luyến cho biết: Đợt tuyển viên chức giáo dục năm 2020 sẽ giải quyết được khoảng một nửa số giáo viên còn thiếu trên địa bàn.

Huyện vẫn thiếu khoảng 50 giáo viên, chủ yếu là giáo viên tiểu học và Tin học.

Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên tiểu học có nhưng số giáo viên đăng ký tuyển dụng không đủ bởi chưa có bằng đại học sư phạm theo qui định…

Phòng giao cho các trường còn thiếu giáo viên, ký hợp đồng lao động theo hướng dẫn của thành phố.

Cũng như vậy, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: Huyện đang thiếu 56 chỉ tiêu giáo viên tiểu học và đang chờ bổ sung trong thời gian sớm nhất.

Ông Hoàng Việt Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm nhận định: Sau đợt tuyển dụng viên chức, ngành GD huyện sẽ bù lấp được số giáo viên còn thiếu.

Tuy nhiên, toàn huyện còn thiếu gần 100 giáo viên ở cả 3 cấp học. Với cấp tiểu học, số giáo viên đang ký hợp đồng tại các trường đã đi học nâng chuẩn để đủ tiêu chí cho lần thi tuyển sau…

Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, UBND thành phố Hà Nội có văn bản nêu rõ, từ nay đến năm học 2022 - 2023 cần có lộ trình cụ thể, phù hợp để bố trí đủ giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học cho những trường còn thiếu (tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, thỉnh giảng, biệt phái giáo viên).

Không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, tùy vào điều kiện cụ thể, địa phương cần thực hiện thêm một số giải pháp như: Bố trí 1 giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn (khoảng cách địa lý không xa), dạy trực tuyến...

Để tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, đề xuất Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT tăng định biên với giáo viên của 2 bộ môn này (cấp THCS, định mức theo qui định hiện hành: Môn Tin 0,04/lớp; Ngoại ngữ (tiếng Anh) 0,18/lớp không còn phù hợp với thực tế).
Trong thời gian chờ có quyết định chính thức từ Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT, cho phép các trường chủ động ký hợp đồng với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học trên tinh thần bảo đảm đủ giáo viên. Giáo viên được phân công đủ cơ số tiết/môn/tuần theo quy định (cấp THCS: GV dạy 19 tiết/tuần, trong đó được tính số tiết công tác kiêm nhiệm theo quy định). Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.