Hà Nội quy định không dạy thử tiết dạy trước khi dự Hội thi giáo viên giỏi

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2022-2023, yêu cầu không dạy thử tiết dạy trước hội thi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, mục đích của hội thi nhằm phát hiện, công nhận và tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành giáo dục.

Hội thi tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh của các môn dự thi nói riêng và các bộ môn văn hoá nói chung.

Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác giảng dạy đối với giáo viên.

Tiết dạy tham gia hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi ở lớp đến dạy thi. Giáo viên được Ban tổ chức thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 2 ngày trước thời điểm thi.

Sau các tiết dự thi của đơn vị, giáo viên trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân, được họp với Ban giám khảo để nghe thông báo một số nội dung nhận xét. Ban giám khảo có thể hỏi thêm một số vấn đề nếu cần. Giáo viên không được tiếp xúc riêng với các thành viên Ban giám khảo trước và sau khi thi.

Kế hoạch bài dạy (giáo án) và báo cáo biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên. Tiết dạy phải thể hiện được tinh thần dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thể hiện rõ nét tính đặc thù bộ môn; khuyến khích việc dạy học theo chủ đề.

Phần trình bày biện pháp đảm bảo các yêu cầu: Nêu rõ được biện pháp có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học và giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn nhà trường, địa phương trong công tác giảng dạy của cá nhân giáo viên tại nơi giáo viên đang làm việc; biện pháp được nhà trường và đồng nghiệp ghi nhận và có minh chứng về sự tiến bộ của học sinh khi áp dụng biện pháp.

Kết quả hội thi giáo viên dạy giỏi là minh chứng để tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định hiện hành. Giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy và báo cáo biện pháp đã tham gia hội thi trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.