Hà Nội: Nhiều trường tiểu học khó đạt mục tiêu "chuẩn sĩ số"

GD&TĐ - Trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu hạn chế việc quá tải sĩ số trong các lớp học (THCS, THPT không quá 45 em, tiểu học không quá 35 em).

Hà Nội sẽ hạn chế tuyển sinh trái tuyến trong năm học 2022 – 2023.
Hà Nội sẽ hạn chế tuyển sinh trái tuyến trong năm học 2022 – 2023.

Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng GD&ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và báo cáo sở GD&ĐT.

Năm học 2022 - 2023, theo điều tra số học sinh lớp 1 trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn, quận Cầu Giấy có 5.048 em. Ước tính khoảng 1.000 học sinh sẽ theo học các trường ngoài công lập, hơn 4.000 học sinh còn lại được giao chỉ tiêu vào 12 trường công lập với 89 lớp. Trong số 12 trường công lập, sĩ số mỗi trường dao động trong khoảng 48 - 49 học sinh.

Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy - cho biết: Sĩ số trung bình trên địa bàn quận đã giảm dần hàng năm và sẽ tiếp tục giảm trong những năm học tới. Dù công tác xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học đều được triển khai, song do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, nhiều trường có hiện tượng quá tải.

Phòng cũng tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các nhà trường tập trung phát huy nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự đồng đều về chất lượng giữa các nhà trường, góp phần hạn chế tâm lý chọn trường của phụ huynh; tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho trường học, giảm số học sinh trái tuyến, tăng số học sinh được học 2 buổi trên ngày.

Tại quận Thanh Xuân, dự kiến số học sinh vào lớp 1 năm học 2022 - 2023 là 5.534 em. Với 13 trường tiểu học công lập, trên địa bàn ước tính, sĩ số học sinh phổ biến đối với cấp tiểu học năm học tới sẽ phổ biến trong khoảng 45 em/lớp. Con số này tuy đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn khá cao so với điều lệ trường học.

Theo ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm học 2022 - 2023, quận đang tập trung hoàn thành xây mới 1 trường mầm non; xây dựng bổ sung 57 phòng học; 6 dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học.

Ngoài ra, quận đã phê duyệt các dự án đầu tư công giai đoạn 2022 - 2025 cho 15 trường học với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng. Việc rà soát, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học; công tác quản lý chặt chẽ các ô đất đã quy hoạch cho giáo dục cũng được tăng cường.

Trong lộ trình giảm sĩ số học sinh trong lớp học, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2022 - 2023 thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với sở GD&ĐT tổ chức thi và tuyển sinh bảo đảm yêu cầu đề ra. Trong đó, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của các cơ sở giáo dục về đối tượng tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh; bảo đảm số học sinh/lớp đúng quy định, góp phần đẩy mạnh kế hoạch công nhận trường chuẩn quốc gia.

Liên quan đến công tác tuyển sinh năm học 2022 - 2023 của các trường tiểu học và trung học, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Sở đã yêu cầu các phòng GD&ĐT tổ chức điều tra chính xác số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, làm cơ sở để tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp.

Đồng thời, quan tâm đầu tư toàn diện để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường. Sở GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh; tiếp tục tạo điều kiện để hệ thống trường ngoài công lập ngày càng phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, vừa giảm áp lực cho các trường công lập trong công tác tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.