Hà Nội: Nhiều biện pháp “hồi sinh” sông Tô Lịch

GD&TĐ - Thời gian qua TP Hà Nội đã thí điểm nhiều biện pháp để giải cứu sông Tô Lịch, trong đó có việc áp dụng công nghệ của Nhật và Đức bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định… Mới đây, sau khi dẫn nước từ hồ Tây vào, sông Tô Lịch như được “hồi sinh” khi nước thay thành màu trong xanh, sạch mùi hôi thối.

Nhiều người dân Thủ đô mong muốn sông Tô Lịch luôn thơ mộng thế này. Ảnh: Thế Đại
Nhiều người dân Thủ đô mong muốn sông Tô Lịch luôn thơ mộng thế này. Ảnh: Thế Đại

Hiến kế làm sạch nước sông

Trước tình trạng ô nhiễm của các sông trên địa bàn TP Hà Nội, tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 9 - HĐND TP Hà Nội, nhiều đại biểu đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Có ý kiến đại biểu đề xuất nên “cống hóa” các con sông có tính chất kênh thoát nước, kể cả sông Tô Lịch.

Cụ thể, đại biểu Dương Đức Tuấn (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, việc xử lý ô nhiễm sông, hồ thời gian qua ở TP Hà Nội đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, sự tồn tại của hệ thống sông, hồ trong quá trình phát triển của TP Hà Nội rất phức tạp. Theo đó, đại biểu Dương Đức Tuấn kiến nghị giải pháp cống hóa các con sông có tính chất kênh, mương, ngay cả với sông Tô Lịch. Trái ngược với quan điểm của ông Tuấn, ông Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân), lại kiến nghị bổ cập nước cho sông Tô Lịch.

Hiện nay, sông Tô Lịch được thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường bằng công nghệ tiên tiến của Nhật, bước đầu hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Đức, sau khi xử lý vẫn phải bổ cập nước để dòng chảy sông Tô Lịch, sông Nhuệ được lưu thông. Đại biểu Đức cho rằng, cần phải xử lý ô nhiễm, tạo cho sông Tô trở thành một điểm nhấn về cảnh quan của thành phố và có thể có thêm một tuyến giao thông đường thủy. Nếu xử lý được ô nhiễm sông Tô Lịch và bổ cập nước cho dòng sông này thì vừa giải quyết được vấn đề môi trường, cảnh quan và cả giao thông cho thành phố. “Đây là câu chuyện của địa lý, văn hóa, phong thủy và câu chuyện của tâm linh” - ông Đức nói.

Trả lời chất vấn trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để làm sông Tô Lịch “hồi sinh” thì vấn đề vẫn là dòng chảy, vì vậy thành phố đang áp dụng các công nghệ thí điểm, trước mắt sẽ cố gắng làm con sông này hết mùi. Tiếp theo, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Khi nhà máy hoàn thành, một phần nước thải của Đống Đa, Cấu Giấy, Hai Bà Trưng… được thu gom, xử lý.

Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, 2 bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Cho nên, phải tách nguồn nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch.

Vấn đề là, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10/2016 (bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD, đến nay gần như vẫn… dậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân chậm tiến độ được chủ đầu tư dự án cho biết, do phải thực hiện đấu thầu lại gói 3 (xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ). Năm 2019, dự án được bố trí vốn ODA hơn 70 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn cho các gói thầu 2, 3 và 4 của dự án dự kiến sẽ khởi công năm 2019 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cống bơm nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Ảnh: Thế Đại
  • Cống bơm nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Ảnh: Thế Đại

Xả nước vào sông Tô Lịch

Mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, dự kiến xả hơn 1 triệu mét khối nước ra sông Tô Lịch để đưa mực nước hồ Tây xuống mức bình thường. Thời gian mở cửa xả kéo dài khoảng 2 ngày.

Với hơn 1 triệu mét khối nước tiếp nhận từ hồ Tây, nước trên sông Tô Lịch được tạo dòng chảy liên tục trong vòng hai ngày từ 9 - 11/7. Lượng nước từ hồ Tây bước đầu sẽ giúp sông Tô Lịch giảm ô nhiễm... Ghi nhận của Báo GD&TĐ, đến chiều 10/7, nước sông đoạn đầu nguồn cạnh đường Hoàng Quốc Việt và Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đã chuyển sang màu trong xanh, sạch mùi hôi thối thay vì đen đặc như trước đây.

Bên cạnh đó, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đang trình thành phố phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây. Từ nguồn nước được bổ cập đó, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ cho xả trực tiếp từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Đây là một trong những phương án được các chuyên gia đánh giá cao trong việc “hồi sinh” sông Tô Lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.