Hà Nội: Nhà trường sẵn sàng, phụ huynh phấn khởi khi sắp đón học sinh đi học lại

GD&TĐ - Thông tin Hà Nội quyết định cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại từ 6/4 sau nhiều tháng học trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19 khiến các nhà trường, phụ huynh, học sinh đều phấn khởi.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Phụ huynh, học sinh hào hứng

Từ nhiều tuần qua, gia đình chị Phương Anh (quận Long Biên, Hà Nội) bận rộn hơn do có hai con học THCS nhưng mới chỉ có 1 bé được đến trường. Chị vừa lo đưa đón bé lớn lại về để tâm đứa con thứ 2 học online nên thông tin Hà Nội cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp khiến chị vô cùng phấn khởi.

“Thời gian học trực tuyến đã kéo quá dài khiến cả phụ huynh và học sinh đều mệt mỏi. Bé lớn nhà tôi học lớp 8, đi học được 2 tuần thì trở thành F0 và cả nhà đều nhiễm Covid-19. Mặc dù biết dịch bệnh còn những diễn biến khó lường, song tôi ủng hộ và quyết định cho con thứ hai đến trường. Bởi với tôi, hệ luỵ khi trẻ không được đến trường nặng nề gấp bội phần nếu chẳng may nhiễm bệnh” – Chị Phương Anh bộc bạch.

Em Tùng Anh – học sinh lớp 6 chia sẻ: Em chờ đợi được đến trường từ rất lâu rồi. Học trực tuyến tuy được ngủ nướng, được thoải mái nhưng em luôn mong được đến lớp để gặp gỡ, học tập cùng thầy cô và bạn bè. Chúng em đã học gần hết 2 học kỳ mà chưa được gặp nhau lần nào. Hôm nay, em được thông báo đến trường nhận đồng phục. Em mong việc đến trường học trực tiếp sẽ không bao giờ bị gián đoạn nữa.

Bày tỏ sự phấn khởi, chị Lữ Mai – một phụ huynh học sinh tại quận Ba Đình, Hà Nội đồng thời cho biết: Tôi nghĩ rằng, một phần lớn niềm vui tuổi thơ của trẻ là được đến trường. Sự bí bách, mong mỏi trước đây và háo hức, hồi hộp bây giờ của trẻ đã chứng minh cho điều đó. Ngay cả thời chiến tranh, trước cảnh mưa bom bão đạn, vẫn có những lớp học mà học sinh đội mũ rơm, nghe kẻng báo động thì xuống hầm hào...

Trong điều kiện dịch bệnh, biết rằng còn bao nhiêu nguy hiểm rình rập nhưng quyền được học hành, có thầy cô, bè bạn... vẫn là quyền cơ bản của trẻ thơ đòi hỏi toàn xã hội cần thu xếp để đáp ứng hài hòa.

“Là một phụ huynh có con đã học online suốt thời gian qua, quan sát tuổi thơ "co cụm" giữa những bức tưởng, có chăng ô cửa mở ra chỉ là thế giới ảo... tôi cũng hồi hộp, mong chờ con được tới trường. Chúng ta cũng cần chia sẻ với nhà trường niềm vui và trách nhiệm này. Có nhiều cô giáo đã dạy học trò gần hết hai kỳ học, cô trò chưa gặp nhau ngoài đời thực nhưng các cô vẫn làm tròn trọng trách, nỗ lực thay đổi phương pháp dạy để phù hợp điều kiện hoàn cảnh. Trẻ được đến trường, dù không bao lâu nữa năm học sẽ kết thúc, đó vẫn là dấu ấn cần thiết, sự gắn kết yêu thương” – chị Lữ Mai bộc bạch.

Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức diễn tập xử lý tình huống khi có F0 tại trường.
Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức diễn tập xử lý tình huống khi có F0 tại trường.

Nhà trường sẵn sàng

Cô Lê Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu (quận hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Hàng tuần chúng tôi vẫn trong tâm thế sẵn sàng đón trò trở lại trường. Khi nhận thông tin chính thức, các thầy cô đều không giấu được sự phấn khởi và bắt tay chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp vào ngày 6/4.

Để đón học sinh trở lại trường, nhà trường làm tốt các công tác chuẩn bị như sau: Tiến hành rà soát lại các văn bản chỉ đạo về công tác đón học sinh trở lại trường, tổ chức học tập trực tiếp. Triển khai các văn bản hướng dẫn của TP,  Sở GD&ĐT, Quận và phòng GD&ĐT quận về việc đón học sinh đi học trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên (CBGVNV) và cả phụ huynh.

Cùng đó, nhà trường xây dựng kế hoạch đón học sinh đi học trực tiếp, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho các em trong công tác phòng chống dịch, kế hoạch diễn tập, kịch bản xử lý  khi có tình huống CBGVNV và học sinh là F0.

Chuẩn bị và rà soát các điều kiện cơ sở vật chất các phòng học, các khu vực của trường để đảm bảo an toàn trường học. Tổ chức tổng vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phòng chống dịch.

“Sau thời gian dài dạy học trực tuyến, nhà trường chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục của phù hợp với học sinh và điều kiện thực tế. Đặc biệt quan tâm vấn đề tâm lý, làm quen lại môi trường học tập, nhất là với học sinh lớp 1, 2. Xây dựng thời khóa biểu hợp lý, đảm bảo vừa dạy, vừa củng cố kiến thức cho học sinh. Cùng đó, chuẩn bị tốt các điều kiện chăm sóc bán trú cho học sinh, đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ học sinh và đảm bảo an toàn” – cô Hằng cho hay.

Tại Việt Nam, khi đại dịch đã bước sang năm thứ ba, UNICEF Việt Nam hết sức lo ngại về tình trạng trẻ em mất đi cơ hội học tập và nguy cơ bất bình đẳng đang gia tăng đối với quá nhiều trẻ trên khắp cả nước.

UNCEF cho rằng khi số ca nhiễm Covid-19 đang giảm và tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành đạt ở mức cao, nguy cơ trẻ em nghỉ học lớn hơn rất nhiều so với rủi ro sức khỏe các em phải đối mặt ở trường. Viện dẫn sức khỏe là lý do để đóng cửa trường học chính là phủ nhận thực tế rằng khi trẻ không được đến trường hằng ngày, việc học tập và sự phát triển của trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực, sức khỏe tâm thần của trẻ bị ảnh hưởng trong khi nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh hiểm nghèo ở trẻ em vẫn ở mức thấp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.