Hà Nội ngăn chặn từ sớm, từ xa để phòng, chống dịch Covid-19

GD&TĐ - UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải phòng dịch bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở; mục tiêu dứt khoát không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Nhà sách Tiến Thọ, đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Nhà sách Tiến Thọ, đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Vẫn còn chủ quan với dịch

Cùng với cả nước, những ngày qua hệ thống trường học và trong cộng đồng dân cư ở Hà Nội đã ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19. Trước thực trạng trên, từ những tiểu thương ở các khu chợ, cửa hàng kinh doanh đến khu công cộng ở Thủ đô đã tăng cường phòng chống dịch Covid-19 theo thông điệp 2K.

Tuy không có chốt kiểm dịch, nhưng tại chợ làng Cốm Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, người mua, người bán hàng đều đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Loan, tiểu thương tại chợ làng Cốm Vòng, cho biết, phòng dịch hơn chống dịch nên bà luôn giữ khoảng cách với người mua và đeo khẩu trang thường xuyên.

“Hai năm trước nghỉ dịch buôn bán khó khăn lắm, giờ chớm có thông báo phòng dịch, chị em ở chợ ai cũng nhất trí nghiêm túc thực hiện để dịch không bùng phát...”, bà Loan chia sẻ.

Còn tại Nhà sách Tiến Thọ, đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, nhân viên giữ cửa và bán hàng đều yêu cầu 100% khách đến mua hàng đeo khẩu trang. Ngoài ra, trước khi ra vào nhà sách, khách hàng được rửa tay sát khuẩn.

Tuy nhiên, tại một số cửa hàng tạp hóa, các nhân viên bán hàng vẫn chưa có ý thức phòng dịch Covid-19, vẫn còn tình trạng lúc đeo khẩu trang, lúc không. Tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Thái Tông, nhân viên bán hàng thực hiện giao dịch với khách tại quầy khi không đeo khẩu trang.

“Mỗi người dân nên có ý thức đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quay lại...”, anh Tuấn Anh trú quận Bắc Từ Liêm bày tỏ.

Ngày 18/4, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 1149 tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở; mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Riêng với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND Hà Nội yêu cầu, các đơn vị chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh trong nước, thành phố và địa phương để có phương án triển khai kịp thời. Kiên quyết, kiên trì và kiên định bảo đảm kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương phải bảo đảm nhân lực, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất đáp ứng phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Các địa phương cần chỉ đạo tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế cơ sở theo diễn biến dịch bệnh, giám sát người nhiễm tại nhà, quản lý chặt chẽ đối tượng nguy cơ khi mắc Covid-19 để chuyển viện kịp thời, tránh để bệnh nặng mới chuyển viện. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, tổ chức sự kiện, dịch vụ tại địa phương”, công văn của UBND TP Hà Nội nêu rõ.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với Sở TT&TT, Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống Covid-19 tại các trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các trường học.

Một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) vẫn chủ quan với dịch Covid-19.

Một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) vẫn chủ quan với dịch Covid-19.

Siết chặt công tác phòng, chống dịch

Với hàng chục nghìn học sinh, sinh viên từ Hà Nội di chuyển về các địa phương dịp 30/4 - 1/5 tới đây, ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, cho biết, đơn vị cùng cán bộ, nhân viên các bến xe (Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình) thực hiện nghiêm công văn của UBND TP Hà Nội về tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, dịp tháng 4 có ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) liền với dịp nghỉ lễ Ngày Giải phóng miền Nam (30/4) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5). Kỳ nghỉ lễ sẽ kéo dài 5 ngày liên tục, từ ngày 29/4 đến hết ngày 3/5. Vì vậy, lưu lượng hành khách qua các bến xe của thành phố đi các địa phương dự kiến tăng cao.

“Dịp nghỉ lễ thường trùng với dịp khai trương mùa du lịch trong năm, đây là thời gian nghỉ kéo dài nhất từ đầu năm, nên nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ nghỉ lễ này sẽ tăng mạnh, lưu lượng hành khách sẽ phân bố không đồng đều mà tập trung vào một số địa phương.

Đặc biệt là những địa phương có điểm tham quan, du lịch. Một số tuyến dự kiến sẽ có lượng hành khách tăng mạnh: Hà Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La.

Dự kiến, lưu lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng cao từ chiều tối ngày 28/4 đến hết ngày 4/5. Vì vậy, công tác phòng chống dịch với thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) được đơn vị đặc biệt chú trọng...”, ông Hùng nói.

Hành khách tại bến xe Giáp Bát thực hiện nghiêm 2K để phòng dịch.

Hành khách tại bến xe Giáp Bát thực hiện nghiêm 2K để phòng dịch.

Giám đốc Công ty Cổ phẩn Bến xe Hà Nội cho biết, giao phòng chuyên môn và bến xe thực hiện tốt dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về hạ tầng, thiết bị, tài liệu, phù hiệu, vé… trước khi bước vào kỳ phục vụ đợt nghỉ lễ. Trong đó, nhắc nhở cán bộ, nhân viên các bến xe tuyên truyền đến hành khách thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19.

Với cơ sở giáo dục, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết, yêu cầu các trường (mầm non, tiểu học, THCS) trên địa bàn tăng cường đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, phòng GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các trường đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, học sinh thực hiện tốt thông điệp 2K.

Đối với học sinh, cán bộ, giáo viên đã được xác định mắc Covid-19, không đến trường. Đồng thời, các cơ sở giáo dục liên hệ với trạm y tế nơi sinh sống để được hướng dẫn thực hiện theo dõi điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Ban giám hiệu theo dõi sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên hàng ngày, kịp thời phát hiện học sinh, cán bộ, giáo viên có các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở… cần thông báo với cơ sở y tế phụ trách trên địa bàn để được hướng dẫn xử lý theo đúng quy định hiện hành, không bỏ sót đối tượng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh...”, ông Lê Đức Thuận lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.