Hà Nội: Mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm dịp cuối năm

GD&TĐ - Để chủ động phòng ngừa, trấn áp tội phạm, tạo môi trường an toàn cho nhân dân Thủ đô đón Tết, Công an TP Hà Nội đã xây dựng, ban hành 3 kế hoạch triển khai đợt cao điểm.

Lực lượng CSGT Đội 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý vi phạm pháp luật giao thông.
Lực lượng CSGT Đội 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý vi phạm pháp luật giao thông.

Mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm

Đó là cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân 2022.

Cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép.

Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị. Đặc biệt, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài tại cửa ngõ Thủ đô trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, không để xảy ra đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, nhất là vào dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Báo cáo của Công an TP Hà Nội cho thấy, trong 4 tháng qua, bằng sự vào cuộc quyết liệt từ các đơn vị thuộc Công an thành phố, tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn giảm 11,7 %, phạm pháp hình sự giảm 7% so với thời gian liền kề trước đó, khám phá chung đạt 87,1%.

Chia sẻ với báo chí, Trung tá Bùi Huy Đạt - Đội trưởng Đội CSGT - TT (Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai mở đợt cao điểm bảo đảm TT ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện.

“Đợt cao điểm bắt đầu thực hiện từ ngày 15/12 - 15/2/2022 và bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch Covid-19 đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng như người dân...”, Trung tá Đạt thông tin.

Theo Trung tá Đạt, đối với lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ban ngày và cả ban đêm nhằm phát hiện các trường hợp tham gia giao thông vi phạm pháp luật về giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, tổ chức đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn, ma túy...

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra đột xuất các xe tải thùng kín, xe đông lạnh nhằm phát hiện việc vận chuyển hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng giả và vũ khí vật liệu nổ, pháo các loại...

Đối với lực lượng Công an các xã, thị trấn, thường xuyên kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông, gửi các phương tiện trái phép.

Cùng đó tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Công an huyện với đội Cảnh sát giao thông số 12 Công an thành phố Hà Nội, Đội TTGTVT huyện xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông

Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên tuyến cao tốc.
 Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên tuyến cao tốc. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, từ nay đến hết ngày 14/2/2022, lực lượng CSGT cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT.

Cụ thể, đợt cao điểm sẽ tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và lễ, Tết.

Cụ thể, các lỗi: Lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, vi phạm quy định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.

Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ lập phương án đấu tranh phòng, chống đua xe trái phép và tội phạm trên các tuyến giao thông, cương quyết trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng không, đường sắt, tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách, trên các tuyến, luồng đường thủy và hoạt động vận tải ven biển.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng về bảo đảm trật tự ATGT và phòng chống dịch khi tham gia giao thông cho người dân.

Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các địa phương có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm ATGT và phòng dịch, giảm thiểu tình trạng chậm, huỷ chuyến.

Đặc biệt, tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương tiện về quê trong dịp Tết; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá vé trái quy định.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và sinh viên. Bố trí thời gian cho người lao động và sinh viên nghỉ Tết và trở lại làm việc, học tập phù hợp, giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Chỉ huy Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, dịp Tết đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

“Từ 15/3 - 17/12 Đội CSGT số 6 xử lý 324 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gần 1.000 trường hợp xe khách vi phạm, gần 900 xe tải và hơn 1.000 trường hợp dừng đỗ sai quy định...”, Chỉ huy đội CSGT số 6 thông tin.

Đội CSGT số 6 cũng tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện và phải tuân thủ nguyên tắc 5K, nhất là luôn đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ