Hà Nội: Lượng nước rác tại các hồ chứa đã giảm khoảng 36.500m3

GD&TĐ - Các trạm xử lý nước rác thuộc Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn được vận hành tối đa công suất xử lý 27.000m3 nước rác. Từ 1/10 đến nay, khối lượng nước rác tại các hồ chứa giảm khoảng 36.500m3.

Trước đó, người dân chặn xe chở rác vào Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn.
Trước đó, người dân chặn xe chở rác vào Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về xử lý khắc phục các tồn tại hạn chế bảo đảm công tác vận hành an toàn Khu liên hợp xử lý chất thải (XLCT) Sóc Sơn.

Theo đó, đến nay công tác quản lý, điều hành và vận hành Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn đã dần đi vào ổn định, kiểm soát được nguy cơ sự cố môi trường; giảm lượng nước rác tồn đọng.

Cụ thể, công tác xử lý, khắc phục mùi hôi gây ô nhiễm môi trường tại các ô chứa nước rỉ rác và tình trạng nước rỉ rác từ các xe vận chuyển rác tiếp tục được các đơn vị duy trì thực hiện.

Đến nay, cơ bản đã hạn chế mùi và kiểm soát ruồi tại các ô chôn lấp, ô chứa nước rác trong Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn.

Các trạm xử lý nước rác tiếp tục được vận hành tối đa công suất xử lý 27.000m3 nước rác. Tính từ ngày 1/10/2020, khối lượng nước rác tại các hồ chứa đã giảm khoảng 36.500m3.

Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) tiếp tục duy trì hoạt động 2 điểm xả rác từ các xe vận chuyển trước khi lên đổ tại ô chôn lấp tại cổng số 1 và phía Tây Bắc hồ sinh học thuộc Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn.

Đối với yêu cầu chấm dứt việc người dân nhặt rác, UBND, Công an huyện Sóc Sơn và các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ tiếp tục thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay số lượng người vào Khu xử lý nhặt rác chỉ còn khoảng 20-30 người/đêm.

UBND huyện Sóc Sơn cũng đã ban hành văn bản về việc chấm dứt người dân vào Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn để nhặt rác. Trong đó, lộ trình thực hiện bắt đầu từ ngày 15/12/2020.

Liên quan đến việc đôn đốc tiến độ đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn được UBND Thành phố quan tâm, thành lập tổ công tác liên ngành, các sở, ngành đôn đốc và hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ.

Đồng thời, kiến nghị của người dân về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được Sở TN&MT hướng dẫn, UBND huyện Sóc Sơn nỗ lực giải quyết.

Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì 15 cán bộ phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn trong công tác kiểm đếm, lên phương án đền bù, giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng tại các ô chôn lấp khu phía Bắc giai đoạn II Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn còn chậm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.