Hà Nội không chọn kiểm tra trực tuyến: Vì đâu?

GD&TĐ - Hà Nội quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm (từ 15/5) và chỉ chọn hình thức kiểm tra học kỳ trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường. Phương án kiểm tra trực tuyến không được chọn do đâu?

Học sinh sẽ quay trở lại trường kiểm tra học kỳ trực tiếp.
Học sinh sẽ quay trở lại trường kiểm tra học kỳ trực tiếp.

Chưa bảo đảm công bằng, khách quan

Theo lý giải của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc kiểm tra định kỳ chỉ được tiến hành khi đảm bảo các yêu cầu tối thiểu: đảm bảo về đường truyền internet và thiết bị kết nối, máy tính, thiết bị đầu cuối và có cấu hình phù hợp để cài đặt hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến; bảo đảm cho giáo viên và học sinh truy cập, khai thác sử dụng, quản lý các chức năng của hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến để thực hiện hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy định của Thông tư 09.

Việc kiểm tra trực tuyến phải có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, các quy trình về dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân theo quy định khi tổ chức dạy học trực tuyến.

Cơ sở giáo dục phổ thông phải có nơi lắp đặt các thiết bị đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, sư phạm để sử dụng phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến của giáo viên.

Tại tờ trình xin ý kiến của UBND thành phố điều chỉnh khung thời gian năm học 2020-2021, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho rằng: Căn cứ vào tình hình thực tiễn, việc bảo đảm các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tới 100% giáo viên, học sinh ở từng cơ sở giáo dục; điều kiện thiết bị của nhiều học sinh còn khó khăn, chưa bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh. Vì vậy, chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến cho học sinh phổ thông, GDTX năm học 2020-2021.

Không thể làm vội vàng

Thầy Hoàng Chí Sỹ- Hiệu trưởng Trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) nhận định: Trường sẽ thực hiện cho học sinh nghỉ hè từ ngày mai (15/5), trong đó nhắc nhở học sinh khối 10, 11 trong thời gian nghỉ hè vừa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; vừa tự giác ôn tập, củng cố kiến thức để khi quay trở lại trường kiểm tra học kỳ sẽ đạt kết quả tốt.

Với học sinh lớp 12, trường vẫn tăng cường ôn tập trực tuyến để các em nắm vững kiến thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hợp Thanh nghiêm túc học ôn thi trực tuyến.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hợp Thanh nghiêm túc học ôn thi trực tuyến.

Theo thầy Sỹ, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã họp bàn lên kịch bản kiểm tra trực tuyến nếu học sinh không thể quay trở lại trường học. Trường chuẩn bị kế hoạch dựa trên phần mềm kiểm tra, giám sát học và thi trực tuyến của Sở GD&ĐT Hà Nội. Tuy nhiên, Sở quyết định không kiểm tra học kỳ trực tuyến mà sẽ tổ chức trực tiếp vào thời điểm khi đã kiểm soát được dịch Covid-19 là hoàn toàn hợp lý vào thời điểm này.

Việc kiểm tra trực tuyến đòi hỏi các qui định về cơ sở vật chất, bảo mật thông tin, cơ chế giám sát…, trong khi “qui trình” này còn chưa được đồng bộ, nhất là với các trường ở vùng nông thôn, miền núi, việc học trực tuyến còn nhiều khó khăn thì việc kiểm tra sẽ khó đảm bảo chất lượng, khách quan.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Xuân Trường- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Bình (huyện Ứng Hòa) cho rằng: Không thể vội vàng triển khai một hình thức kiểm tra mới khi chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết. Đặc biệt, với cấp tiểu học, ông bà, bố mẹ, anh chị đều có thể làm “thầy” được. Vậy làm sao đảm bảo kết quả thi là đánh giá đúng năng lực học sinh?

Trường Tiểu học Đội Bình đã họp bàn về cách thức tổ chức kiểm tra trực tuyến nhưng tất cả phương án đưa ra đều thiếu tính hợp lí. Trong đó, trường đặt ra yêu cầu bật zoom cả tiếng lẫn hình, phân công thêm giáo viên vào giám sát... nhưng vẫn thấy không khả thi.

Rèn ý thức tự giác học để không quên kiến thức

Thầy Trường nhận định: Nhiều ý kiến lo ngại học sinh quên kiến thức khi quay trở lại trường để ôn tập và kiểm tra bù. Tuy nhiên, nếu vẫn quan điểm học chỉ để thi thì không quên trước cũng quên sau. Vấn đề là dạy học phải ngấm, khuyến khích học sinh vẫn tự học khi nghỉ hè. Khi nào đi học trở lại vẫn còn thời gian thầy cô ôn tập rồi mới tổ chức kiểm tra, đánh giá…

“Sau này, nếu có tổ chức kiểm tra trực tuyến thì ngành Giáo dục cần phải xây dựng một qui trình cụ thể, đổi mới từ cách thức tổ chức đến nội dung kiểm tra phù hợp với hình thức này chứ không nên thả cho các trường “tự bơi”- thầy Trường bày tỏ.

Học sinh tự giác ôn tập để sẵn sàng quay trở lại trường làm bài thi.
Học sinh tự giác ôn tập để sẵn sàng quay trở lại trường làm bài thi.

Cô Phạm Thị Bích Diện- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) chia sẻ: Quyết định của thành phố về kiểm tra trực tiếp rất hợp lý, thấu hiểu cho thực tế dạy, học ở các vùng còn khó khăn của Hà Nội. Khi các điều kiện thiết bị học, kiểm tra trực tuyến, giám sát… chưa đảm bảo các yêu cầu thì việc tổ chức vẫn phải theo hình thức trực tiếp để đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh.

Theo cô Diện, việc học sinh nghỉ hè sớm để phòng, chống dịch Covid-19, khiến phụ huynh học sinh gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý con. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên vẫn đồng hành để ôn tập cho học sinh lớp 9 và thường xuyên nhắc nhở học sinh các khối khác thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch cũng như tự giác ôn tập kiến thức để sẵn sàng quay trở lại trường khi có thông báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.