Hà Nội hướng tới môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích

GD&TĐ - Mô hình thành phố thông minh, bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Sáng 29/11, Hội nghị “Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023” với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18 (ngày 30/12/2022) về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Mô hình Thành phố thông minh, bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”.

Tuy nhiên, thực trạng xây dựng và phát triển đô thị thông minh của Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đang diễn ra như thế nào? Những chính sách nào cần được khuyến nghị cho quá trình xây dựng thành phố thông minh bền vững của không chỉ Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố khác để cùng nghiên cứu, tham khảo? Công nghệ số, chuyển đổi số, và đặc biệt là dữ liệu số sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển? Mô hình Thành phố thông minh nào trên thế giới mà Hà Nội có thể tham khảo?...

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của cả nước về lĩnh vực này, Hà Nội cần có được cơ chế đặc thù, vượt trội, thu hút tài năng của Việt Nam và thế giới, cùng với đó là đi đầu trong công tác đạo tạo công nghệ thông tin cả về phần cứng và phần mềm.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam - Trương Gia Bình phát biểu.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam - Trương Gia Bình phát biểu.

Theo ông Trương Gia Bình, Hà Nội không chỉ xây dựng thành phố thông minh, mà còn sáng tạo ra cả phần cứng, phần mềm, dẫn dắt và đi đầu trong chuyển đổi xanh, qua đó tạo ra nhiều cơ hội phát triển công nghệ thông tin trong cả nước.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tin tưởng với chủ đề chuyển đổi số là có dữ liệu đúng, đủ, sạch sẽ phục vụ hiệu quả nhất cho chính quyền thành phố, doanh nghiệp và người dân, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 kéo dài trong 2 ngày (29-30/11) cùng 3 nhóm hội thảo chuyên đề: Chính quyền, Người dân và Doanh nghiệp; Công nghệ, Dữ liệu và Kết nối; Hợp tác và Phát triển.

Hội nghị sẽ chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn thực sự bổ ích, giúp Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững.

Các tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự cũng sẽ có thêm góc nhìn mới trong định hướng xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...