18/23 chỉ tiêu hoàn thành
Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII vừa tiến hành tổ chức Hội nghị lần thứ XIV để xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung quan trọng, trong đó có Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, các chương trình, kế hoạch năm 2024 và dự thảo Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đánh giá tình hình chung, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức; song, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023 đã đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
“Năm 2023, thành phố đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị |
Những công việc quan trọng mang tính chiến lược mà ông Đinh Tiến Dũng điểm ra gồm: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của thành phố; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thuộc thành phố...”.
Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như TP. Hà Nội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2023 của thành phố.
Tại hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND thành phố đã trình bày tóm tắt các nội dung: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2024-2026; Báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2023, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2024; Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, trong năm 2023, Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong 18 chỉ tiêu hoàn thành đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch là giảm số hộ nghèo; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; tăng thêm số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
GRDP của Thủ đô tăng 6,11%; các cân đối lớn được bảo đảm. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, đảm bảo cân đối chi ngân sách; tổng thu dự kiến hơn 400 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với năm 2022; tổng chi dự kiến hơn 102 nghìn tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán đầu năm (91,1% dự toán điều chỉnh).
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, thành phố xác định 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu, trong đó: GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP/người khoảng 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; giảm 300-400 số hộ nghèo...
Mức dự toán thu, chi ngân sách năm 2024, thành phố dự kiến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 408.547 tỷ đồng, cao hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 17 tỷ đồng, tăng 2% so với ước thực hiện năm 2023; trong đó: Thu ngân sách địa phương 145.253 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương 146.429 tỷ đồng…
Kế hoạch Tài chính – Ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2024-2026, dự kiến thu ngân sách giai đoạn 2024-2026 (bao gồm cả số thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế ngân sách trung ương hưởng 100%) khoảng 1.245.149 tỷ đồng.
Về Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, giải ngân kế hoạch năm 2023 được 30.133 tỷ đồng, đạt 64,2% kế hoạch Trung ương giao và 56,7% kế hoạch thành phố giao. Ước giải ngân cả năm 2023 được 48.600 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch thành phố giao và 103,5% kế hoạch Trung ương giao…
Hà Nội vươn cao tầm vóc, kết nối toàn cầu
Tại hội nghị này, Ban cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về kết quả nghiên cứu, lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trước khi trình HĐND thành phố xem xét thông qua. Đây cũng là bước cho ý kiến lần cuối để Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu, hoàn thiện Đồ án trình Bộ Xây dựng và Hội đồng thẩm định nhà nước.
“Lần lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lần này là rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo đúng định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
So với báo cáo tại hội nghị trước, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đề xuất 9 định hướng mới. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá và cho ý kiến cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng tổng thể, bao quát và các giải pháp trọng tâm ngoài 9 nội dung đề xuất mới.
Đó là các nội dung: Tính chất liên kết vùng, quốc tế của Thủ đô; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía bắc, phía tây Hà Nội; Nghiên cứu định hướng các trục không gian của thành phố; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường vành đai 4; nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; định hướng phát triển khu vực nông thôn kết hợp với việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc các vùng văn hóa của Thăng Long - Kinh Bắc - Sơn Nam Thượng - Xứ Đoài, gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn. |
Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã trình bày tóm tắt về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thực hiện đảm bảo quy trình, việc xây dựng Đồ án đã hoàn thành, được đưa ra lấy ý kiến chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố.
Mục tiêu điều chỉnh đồ án là phát triển Thủ đô thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Thủ đô được xây dựng theo hướng thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội sẽ có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập; phát triển theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065cũng sẽ là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển của Hà Nội.
Sau khi báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố thông qua (theo quy trình của Luật Quy hoạch đô thị) vào kỳ họp thường lệ đầu tháng 12/2023; đồng thời, sẽ báo cáo Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Chính trị; báo cáo Quốc hội dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2024.