Hà Nội hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm vào năm 2025: Có bảo đảm tính khả thi?

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia cho rằng, để 'cứu' Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chính hiện nay.

Giao thông TP Hà Nội luôn quá tải vào giờ cao điểm, dịp nghỉ lễ, Tết.
Giao thông TP Hà Nội luôn quá tải vào giờ cao điểm, dịp nghỉ lễ, Tết.

Dự kiến, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ áp dụng việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở nội đô vào năm 2030. Động thái này của Hà Nội nhận được nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia.

Những vùng hạn chế

Gắn bó với Hà Nội, anh Hà Văn (28 tuổi) hiện làm việc ở quận Tây Hồ chia sẻ, công việc phải di chuyển thường xuyên nên xe máy là phương tiện tiện lợi, chi phí rẻ. Từng thử nghiệm đi xe buýt, tàu điện hay gọi taxi, xe hơi công nghệ, anh Văn thấy được ưu điểm của xe máy. Theo anh Văn, vì thu nhập chưa cao nên việc chi khoảng 100 - 200 nghìn đồng/tháng cho đi lại bằng xe máy, phát sinh thêm vài chục nghìn gửi xe là rất phù hợp.

Bên cạnh đó, đường phố Hà Nội đa phần còn hay ùn tắc vào giờ cao điểm, nếu đi xe buýt, ô tô cá nhân thì phải mất gấp 2, gấp 3 thời gian so với di chuyển bằng xe máy. Đặc biệt, hệ thống giao thông công cộng chỉ đi các tuyến lớn, rất khó cho người dân ở trong ngõ ngách, khu đông dân cư ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… khi hạn chế xe máy.

Dù vậy, anh Văn cũng đồng tình với việc cần hạn chế phương tiện cá nhân, vận động người đi làm hành chính, làm cố định, công nhân, học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế ùn tắc, bảo vệ môi trường. Nhà nước nên đẩy mạnh xã hội hóa quy hoạch, xây thêm tuyến tàu điện, xe buýt điện, xe buýt mini để đi vào được ngõ nhỏ để nhiều người tiếp cận.

“Tôi nghĩ nếu giá vé phương tiện công cộng giữ ở mức 100 – 200 nghìn đồng (tương đương với chi phí xe máy) thì người dân thay đổi dần thói quen. Nhà nước có thể tính toán gộp chung vé của các loại phương tiện công cộng, giảm giá cho học sinh, sinh viên, công nhân, lao động làm hành chính. Chứ lương chỉ vài triệu đồng/tháng mà chi vài trăm, thậm chí hàng triệu đồng cho các vé đi phương tiện công cộng thì không ai đi đâu...”, anh Văn nói.

Ông Nguyễn Văn Hiển (quận Hoàn Kiếm) cho biết, làm rất nhiều nghề, nhưng hợp nhất với chạy xe ôm, chuyển hàng. Do có mối quen, thu nhập được 100 – 200 nghìn đồng/ngày. Nghe tin Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy xăng, ông Hiển lo nhiều hơn mừng.

Người có tuổi, ngoài căn nhà tổ tiên để lại và mấy đồ điện tử, tài sản lớn nhất với ông Hiển là chiếc xe máy cũ dùng để chạy xe ôm quanh phố cổ. Ông Hiển mong mong thành phố tính toán phương án hỗ trợ. Lý do, nếu phải bỏ xe xăng, cao tuổi, sức khỏe yếu ông khó tìm được việc thay thế.

Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn.

Theo dự thảo, vùng LEZ là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt, phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Theo đó, Hà Nội đưa ra 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Cụ thể là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.

Tiếp đó là khu vực đang bị ô nhiễm không khí do nguồn phát thải từ giao thông; khu vực có hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông một cách phù hợp, thuận tiện và khoa học và khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện và khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Cũng theo phương án của TP Hà Nội, những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo Nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).

Thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội cho thấy, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10%. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông hiện chỉ đạt khoảng 12,13%, dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng trên các tuyến đường.

Đồng bộ các giải pháp

Nhiều chuyên gia cho rằng, để “cứu” Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chính hiện nay, trong đó đáng có nguồn phát thải từ hoạt động giao thông. TS Đinh Thị Thanh Bình - giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, vùng phát thải thấp là một biện pháp quản lý giao thông đô thị.

Trên thế giới, người ta thường gắn liền vùng phát thải thấp với hạn chế giao thông cơ giới gây phát thải đi vào khu vực đó. TS Bình cho rằng, đơn vị chức năng phải tổ chức được luồng phương tiện giao thông đi ngang qua, đi vòng tránh khu vực bị hạn chế. Đồng thời nhận diện được phương tiện có mức phát thải cao, có biện pháp kiểm soát, xử lý được những phương tiện vi phạm.

Nữ chuyên gia nêu, đầu tiên ban hành cơ sở pháp lý để triển khai vùng phát thải thấp ví dụ như các nghị quyết, quyết định, các tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn vùng phát thải và các điều kiện để có thể tổ chức các vùng phát thải thấp để sau đó chọn khu vực có quy mô nhỏ để áp dụng thí điểm.

Từ thí điểm đó rút ra bài học, kinh nghiệm để điều chỉnh để có thể triển khai tiếp theo. Chứ ngay lập tức chúng ta không thể áp dụng ở khu vực rộng và nhiều địa điểm được.

PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, mô hình này cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm kinh tế, xã hội và mức độ ô nhiễm để đảm bảo tính khả thi.

“Việc xây dựng thí điểm vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện gây ô nhiễm cần được nghiên cứu một cách kỹ càng khi áp dụng ở Hà Nội. Và nếu mô hình này thành công, chúng ta có thể áp dụng cho những đô thị khác. Mô hình mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí không chỉ cho Hà Nội mà còn ở các đô thị khác ở nước ta…” - PGS.TS Vũ Thành Ca nói.

Về biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp, dự thảo đề xuất nhiều biện pháp giao thông bền vững, trong đó sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận của Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Hà Nội cần xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tạo sự kết nối hợp lý và thuận tiện. Xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện các chỉ tiêu về phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ