Hà Nội: Giảm nhiệt tuyển sinh đầu cấp

GD&TĐ - Nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn Hà Nội ngày càng tăng theo tốc độ tăng dân số cơ học.

Không để quá tải học sinh ở các trường học.
Không để quá tải học sinh ở các trường học.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh, ngành Giáo dục Thủ đô nỗ lực giảm tải tuyển sinh vào các lớp đầu cấp cũng như tránh căng thẳng thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022.

Nhiều phát sinh cần tháo gỡ

Hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2021 - 2022 để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý: Việc tổ chức phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, số phòng học của từng trường, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh; ưu tiên các phòng học phục vụ học tập và phòng học 2 buổi/ngày.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao. Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và sở, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học.

Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Ngành Giáo dục phối hợp chính quyền địa phương rà soát từng tổ dân phố, vào tận ngõ ngách; phối hợp với cơ quan công an xác nhận tạm trú để giảm thiểu số lượng học sinh trái tuyến…

Do số lượng học sinh tăng cơ học nhanh nên những năm học gần đây, quận đầu tư xây mới thêm 5 - 7 trường, xây dựng thêm nhiều đơn nguyên ở trường còn quỹ đất để dần giảm sĩ số học sinh/lớp. Vốn là điểm nóng về tuyển sinh những năm trước đây do chưa có trường học, Khu đô thị Thanh Hà đã đầu tư xây dựng thêm 2 trường tiểu học, trung học cơ sở mới để có đủ chỗ học cho con em cư dân tại đây.

Tuy nhiên, trên địa bàn quận Hà Đông vẫn còn tình trạng do thiếu trường nên cùng một tuyến phố nhưng học sinh không thể học cùng 1 trường. Theo đó, quận phải phân tuyến tuyển sinh theo số nhà chẵn, lẻ để phân bổ vào các trường cho phù hợp. Thực tế này khiến phụ huynh học sinh không thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến, dẫn đến năm học trước, quận Hà Đông có tỷ lệ đăng ký trực tuyến vào các lớp đầu cấp còn thấp, đạt trên 70%.

Việc các khu đô thị mọc lên ở nhiều quận, huyện cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp trên địa bàn thành phố.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh thông tin: Hiện nay, có tòa nhà 23 Duy Tân giáp ranh quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Cư dân tòa nhà thuộc quận Nam Từ Liêm nhưng lại có nguyện vọng được học ở địa bàn quận Cầu Giấy do vị trí địa lý gần hơn.

Ông Phạm Ngọc Anh nhận định: Trong trường hợp học sinh phải đi quá xa, quận Cầu Giấy sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận một số trường hợp đặc biệt, tuy nhiên không thể tiếp nhận tất cả. Phòng phải để các trường tiếp nhận đủ học sinh đúng tuyến rồi mới xem xét tiếp nhận học sinh ở vùng lân cận.

Trước thực tế phát sinh này, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Cầu Giấy và Nam Từ Liêm tham mưu UBND hai quận để kiểm tra kỹ nhu cầu học tập cụ thể ở khu vực này.

Theo ông Toản, việc này trước hết thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các quận, còn các phòng GD&ĐT chỉ có trách nhiệm tham mưu. Hiện nay, địa phương đang phải điều tra số học sinh, số trẻ để thống kê số lượng một cách chi tiết.

Phổ biến quy chế thi cho học sinh thi vào lớp 10 năm học 2020 - 2021.
Phổ biến quy chế thi cho học sinh thi vào lớp 10 năm học 2020 - 2021.

Thêm chỗ học cho học sinh thi vào lớp 10

Năm học 2020 - 2021, dự kiến toàn thành phố có khoảng 110.759 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 6.220 học sinh so với năm ngoái).

Trong số này, dự kiến có 62% học sinh được tuyển vào các trường THPT công lập (68.670 em). 22% học sinh vào trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính (24.370 em). 8% học sinh vào trung tâm GDNN - GDTX (8.860 em) và khoảng 8% còn lại đi học nghề (8.860 em).

Theo công bố mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2021, thành phố có thêm 3 trường THPT công lập bắt đầu tuyển sinh là Trường THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân); Trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) và Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chương Mỹ). Trong đó, Trường THPT Khương Hạ tuyển 240 chỉ tiêu; Trường THPT Mỹ Đình tuyển 400 chỉ tiêu; Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tuyển 450 chỉ tiêu.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho hay: Ngành Giáo dục huyện yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS một cách hợp lý, hiệu quả. Năm học tới, trên địa bàn huyện sẽ có thêm Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi với 9 lớp. Huyện đang rà soát số học sinh trên địa bàn xã Hữu Văn, kết quả bước đầu có khoảng hơn 300 em đủ điều kiện dự tuyển vào trường...

Phòng GD&ĐT Cầu Giấy xem xét điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường tại vùng giáp ranh, nghiên cứu để dự kiến xem đáp ứng được không. Nếu đáp ứng được, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy sẽ đề xuất với UBND quận để tiếp nhận bổ sung học sinh khu vực giáp ranh… trên tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. - Ông Phạm Quốc Toản 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.