Hà Nội giải trình dự án bảo tàng 2.300 tỷ đồng chậm tiến độ

GD&TĐ - Theo Sở Văn hóa và Thể thao, nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao; dự án này rất khó, trải qua nhiều công đoạn với nhiều nguyên nhân khách quan...

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng. Ảnh: PLO.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng. Ảnh: PLO.

Ngày 25/4, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đặt câu hỏi, đại biểu Vũ Ngọc Anh đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao làm rõ về tiến độ thực hiện Dự án bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 triển khai xây dựng 8 năm vẫn chưa hoàn thành; nguyên nhân của việc chậm tiến độ này và khi nào thì được đưa vào khai thác?

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, dự án Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng kinh phí trên 2.300 tỉ đồng.

Năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều hội tụ của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. 

UBND thành phố đã thành lập Hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, thành phố đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, cho tới năm 2020, UBND thành phố phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng.

Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao tới nay là Bảo tàng Hà Nội để quản lý bảo tàng.

Sau 12 năm kể từ khi khánh thành, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để đón khách tham quan. Ảnh: Trần Tuấn.
Sau 12 năm kể từ khi khánh thành, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để đón khách tham quan. Ảnh: Trần Tuấn.

Khi tiếp cận với công việc này, đơn vị đã rà soát lại dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp. Ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng, cần sự tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản, Pháp.

Thời điểm dịch Covid-19, Sở Văn hóa - Thể thao đã cố gắng trao đổi với các chuyên gia, đến nay, cơ bản xong được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31/3. Sau khi thanh tra xong sẽ báo cáo UBND phê duyệt điều chỉnh dự án này.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên, ông Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa - Thể thao. Dự án này trải qua nhiều công đoạn, Sở đã báo cáo UBND thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ Ban Quản lý dự án bảo tàng, cố gắng trong thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn.

Dự kiến trong tháng 5/2022, Sở Xây dựng sẽ thẩm định phần thiết kế kỹ thuật, báo cáo UBND thành phố phê duyệt lại các nội dung có liên quan.

Lãnh đạo Sở Văn hóa hứa kết thúc dự án này vào giữa năm 2024 để báo cáo thành phố và cam kết nhận trách nhiệm nếu để Bảo tàng Hà Nội chậm tiến độ. Ông cũng cho biết, cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.