Bảo tàng Hà Nội bao giờ hoàn thiện?

GD&TĐ - Khánh thành vào năm 2010 nhưng Bảo tàng Hà Nội phải bổ sung, điều chỉnh và gần như phải cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày.

Theo kế hoạch, Bảo tàng Hà Nội đến tháng 6/2022 mới hoàn thiện.
Theo kế hoạch, Bảo tàng Hà Nội đến tháng 6/2022 mới hoàn thiện.

Đầu tháng 3/2021, trong buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Sở VH&TT Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội - ông Nguyễn Tiến Đà cho biết, dự án Bảo tàng Hà Nội kéo dài từ năm 2008 đến nay, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ, giải quyết.

Cấu trúc lại nội dung trưng bày

Bảo tàng Hà Nội sau hàng chục năm khánh thành nhưng chưa thể mở cửa đón khách tham quan. Đây từng là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV, đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn Đại biểu TP Hà Nội có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội và lý do điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, sau đó có giải thích với báo chí về lý do chủ yếu dẫn đến chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan: Khánh thành vào đầu tháng 10/2010 nhưng Bảo tàng Hà Nội phải bổ sung, điều chỉnh và gần như phải cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của Thủ đô.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội khi phê duyệt dự án này thì đến năm 2016 Bảo tàng Hà Nội phải hoàn thành các trưng bày để đón công chúng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đã không thể hoàn thành, mãi đến năm 2019, Bảo tàng Hà Nội đặt mục tiêu cuối năm 2020 sẽ thi công xong các không gian trưng bày để có thể mở cửa đón khách tham quan.

Ngày 11/3, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết, bảo tàng đã thi công xong phòng mẫu. Mặc dù việc thi công đã xong nhưng chưa tổ chức nghiệm thu và còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ, giải quyết.

Theo ông Đà, dự án Bảo tàng Hà Nội gồm có 2 phần. Thứ nhất là phần xây lắp, thứ hai là phần nội dung trưng bày, triển lãm. Vào năm 2012, sau khi xây dựng xong thì bảo tàng được chuyển giao cho Sở VH&TT Hà Nội tiếp nhận, mở cửa đón khách tham quan. Dự án cũng được bàn giao cho Sở, nhưng Sở gặp nhiều khó khăn để tiến hành triển khai. Năm 2017, dự án được giao về cho Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư.

“Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư của dự án. Từ năm 2019 đến nay, bảo tàng đã giải quyết được 5 vấn đề chính để kiện toàn toàn bộ dự án. Đến nay, dự án đã xong toàn bộ phần nội dung và phần thiết kế”, ông Đà cho hay.

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội.
Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội.

“Mất ngủ” vì làm chủ đầu tư

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết thêm, dự án sau khi điều chỉnh theo Quyết định 1207 có tổng mức đầu tư là 711 tỉ, giảm so với tổng mức đầu tư năm 2015 là 15 tỉ. Dự án sau khi đi vào các nội dung chi tiết, dự kiến sẽ giảm 10% tổng mức đầu tư 711 tỉ.

Liên quan đến nội dung trưng bày – phần “nóng” nhất của bảo tàng, ông Đà cho hay: Nguyên nhân là khi xây dựng đề cương kịch bản trưng bày năm 2008 – 2009, đã xây dựng kịch bản văn học của bảo tàng, chứ chưa phải kịch bản chi tiết nên khi chuyên gia đến thì không có hiện vật.

Hiện nay Bảo tàng Hà Nội sở hữu trên 70.000 tài liệu, hiện vật. Số lượng khổng lồ là vậy, tuy nhiên hơn 10 năm qua, Bảo tàng Hà Nội rất đìu hiu. Nhiều khách tham quan cho rằng, một phần khiến bảo tàng này kém hấp dẫn do hiện vật trưng bày quá nghèo nàn, không có gì đặc biệt, thậm chí còn kém xa so với các bảo tàng tư nhân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho rằng, Bảo tàng Hà Nội chưa có sự đồng bộ giữa sự chuẩn bị nội dung trưng bày và xây dựng kiến thiết. Quan trọng nhất với bảo tàng là phải xây dựng bộ sưu tập chứ không phải là số hiện vật được trưng bày vì cổ vật là ngôn ngữ chính của một bảo tàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đà nói rằng, lúc Bảo tàng Hà Nội được giao làm chủ đầu tư dự án thì bản thân ông đã phải “mất ngủ mấy đêm vì phải làm chủ đầu tư của dự án hơn 700 tỉ”. Trong khi với vai trò của một người làm khoa học, ông chỉ say mê việc sưu tầm hiện vật để kể câu chuyện về Hà Nội.

Từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành việc sưu tầm hiện vật. Toàn bộ các câu chuyện theo chủ đề cũng đã hoàn thiện. Có những tư liệu hiện vật quý giá như như đầu tàu hơi nước ở Gia Lâm, các thanh gác chắn của ga Hàng Cỏ đang lưu giữ tại Công ty Đường sắt Hà Ninh (Nam Định).

Đặc biệt về việc sưu tầm đôi mỏ neo cổ dài 6m được vớt từ dưới lòng sông Hồng, do ông Quách Văn Địch (Long Biên) sở hữu, để phục vụ trưng bày. Đây là đôi mỏ neo quý, có niên đại cách đây khoảng 500 - 600 năm, minh chứng cho lịch sử sông Hồng từ thời xa xưa đã đón những thương thuyền lớn từ nước ngoài vào giao thương. Trong các hiện vật, nhiều hiện vật có giá trị lớn mà bảo tàng đã kêu gọi xã hội hóa, chuyển về để bảo tàng lưu giữ trưng bày.

“Dự án Bảo tàng Hà Nội đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Theo kế hoạch đưa ra đến tháng 6/2022 khánh thành. Tuy nhiên, chúng tôi còn 1 buổi nữa để báo cáo UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan để thống nhất tiến độ”. Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ