Hà Nội: Gần 90 nghìn học sinh lớp 12 dự kỳ kiểm tra khảo sát

GD&TĐ - Ngày 22/4, khoảng 90.000 học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu làm bài kiểm tra khảo sát năm học 2021-2022.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trò chuyện với học sinh trước giờ làm bài môn Ngữ văn.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trò chuyện với học sinh trước giờ làm bài môn Ngữ văn.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ khảo sát sẽ diễn ra 2 ngày, tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiệu trưởng trường cụm trưởng xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức kiểm tra khảo sát, bảo đảm nguyên tắc chung là an toàn, nghiêm túc, khách quan và đạt kết quả trung thực, phản ánh đúng chất lượng dạy, học.

Khâu coi thi được thực hiện nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho học sinh. Bài kiểm tra của học sinh ở tất cả các trường trong cụm sẽ được chấm tập trung theo hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT, từ đó giúp các nhà trường xác định mức độ đáp ứng yêu cầu của học sinh để kịp thời có biện pháp hỗ trợ.

Từ 7h sáng, nhiều học sinh đã có mặt tại cổng trường để tranh thủ ôn bài, sẵn sàng cho môn thi Ngữ văn trong buổi sáng. Trước giờ làm bài, đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội do Giám đốc Trần Thế Cương dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức và động viên học sinh Trường THPT Việt Đức.

Ghi nhận chung, các em đều nỗ lực cố gắng làm bài thi, chấp hành các quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT đã được thầy giáo, cô giáo phổ biến. Kết quả kiểm tra là dịp để học sinh tự đánh giá năng lực của mình, biết được điểm yếu để có thể nhờ sự hỗ trợ của thầy, cô giáo, của các bạn và xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp đến trước kỳ thi chính thức.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh-Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết: Nhà trường có 16 lớp 12 với hơn 700 học sinh. Các em dự thi tại 30 phòng, ngồi đúng số báo danh theo quy định và bảo đảm mỗi phòng thi không quá 24 học sinh. Để bảo đảm nghiêm túc trong khâu coi, cán bộ giám sát được huy động từ Trường THPT Trần Phú.

Thầy Nguyễn Văn Đức, một cán bộ coi thi chia sẻ: Xác định tầm quan trọng của kỳ kiểm tra, giáo viên đều thực hiện tốt quy chế giúp đánh giá học sinh một cách chân thực nhất. Khi vào phòng thi, các thầy cô đều nhắc thi sinh không được mang điện thoại vào phòng thi, lưu ý thí sinh làm nhầm mã đề, quên điền số báo danh, quên ký số tờ giấy thi.

Qua kỳ thi, đội ngũ giáo viên cũng xác định đây là đợt tập dượt ý nghĩa, thêm kinh nghiệm, kỹ năng để làm tốt nhiệm vụ trong kỳ thi chính thức. Tất cả đều hướng đến mục tiêu hỗ trợ học sinh tốt nhất, tạo cho các em tâm thế tự tin sẵn sàng bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) nhận định: Xác định ý nghĩa quan trọng của kỳ khảo sát, nhà trường đã tổ chức các khâu như một kỳ thi thật, nhằm giúp các em học sinh có thêm kỹ năng, rèn luyện tâm lý trước kỳ thi chính thức. Ghi nhận chung sau bài kiểm tra đầu tiên môn Ngữ văn, giáo viên và học sinh đều thực hiện đúng quy chế.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra không chỉ có ý nghĩa với từng nhà trường, mà còn là cơ sở để ngành Giáo dục Hà Nội nắm được bức tranh tổng thể về chất lượng dạy, học, từ đó kịp thời có các giải pháp hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất trong thời gian năm học còn lại trước kỳ thi.  
Khoảng đầu tháng 5/2022, các nhà trường sẽ hoàn thành việc chấm bài kiểm tra khảo sát. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các trường không bắt buộc phải lấy điểm bài kiểm tra này, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh và tuyệt đối không được thu tiền của học sinh phục vụ cho công tác kiểm tra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.