Duy trì vững mức sinh thay thế
Theo báo cáo của Chi cục Dân số Hà Nội, năm 2024, Hà Nội tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số ổn định; tỷ số giới tính khi sinh giảm dần hằng năm; Chất lượng dân số được nâng lên đáng kể: Dân số Hà Nội gần 8,7 triệu người; tuổi thọ trung bình đạt 76,3; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 88%; tỷ lệ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước kết hôn đạt 65%.
Đặc biệt ,Hà Nội rất quan tâm triển khai các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn: Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 89%.
Hiện nay, xu hướng dân số của Hà Nội đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ.
Năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi toàn thành phố là 17% so với tổng dân số.
Đến năm 2030, Hà Nội vẫn trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 64 tuổi khá cao (chiếm 61% - 63% tổng dân số Hà Nội), tỷ lệ người cao tuổi là trên 19%.
Theo các chuyên gia nhận định, bước vào thời kỳ “dân số già” sẽ đặt ra nhiều thách thức khi lượng người cao tuổi tăng, người trong độ tuổi lao động giảm. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ tạo ra hệ lụy, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh mới, Hà Nội cũng đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, tăng cường công tác dân số trên địa bàn.
Ngày 22/10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/7/2024 của Thủ tướng và các văn bản chỉ đạo khác từ Trung ương, với mục tiêu khắc phục những hạn chế trong công tác dân số hiện nay.
Thành phố cũng triển khai các Đề án như: Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030; Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Kế hoạch Phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030…
Các biện pháp tập trung đặc biệt nhằm duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính và thích ứng với tình trạng già hóa dân số.
Tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn tăng; số người mới áp dụng biện pháp tránh thai là gần 417.000 người (đạt 103,2% kế hoạch năm 2024 trong 6 tháng đầu năm).
Hà Nội đã giảm số sinh con thứ 3; tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội không quá 112,5/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh số bà mẹ mang thai đạt 82%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%.
Đẩy mạnh các mô hình nâng cao chất lượng dân số
Trong thời gian qua, các mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai ở Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân cũng như đem đến nhiều kết quả trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Hà Nội đã xây dựng, hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Trong đó, 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; 10 mô hình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ổn định quy mô dân số, Hà Nội cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt tỷ lệ sinh thay thế 2,1 con đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào năm 2025. Thay vì truyền thông chỉ từ 1 -2 con như trước đây, công tác truyền thông đã được chuyển hướng kêu gọi sinh đủ 2 con.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân; đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên nên kết hôn và sinh con trước 30 tuổi; chủ động tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để tầm soát, sàng lọc các bệnh về gen di truyền và các bệnh truyền nhiễm; mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con; phụ nữ nên sinh con thứ 2 trước 35 tuổi; phụ nữ mang thai hãy tham gia tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh để những em bé được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi và sự phát triển bền vững của đất nước.
Người cao tuổi tích cực tham gia khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và quản lý, điều trị bệnh kịp thời, giúp người cao tuổi tăng số năm sống khỏe mạnh, chất lượng sống nhằm thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.
UBND TP phê duyệt Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, triển khai đồng bộ giải pháp để tạo chuyển biến rõ rệt trong các hoạt động tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Các đơn vị đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.
Các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được các đơn vị chú trọng tuyên truyền.