Ùn tắc, vỡ tiến độ
“Theo kế hoạch, quý 1/2016, UBND thành phố mới bố trí được nhà tái định cư cho dự án . Vì vậy, sớm nhất phải đến quý II/2016, đường Trường Chinh mới có thể xong và hết tắc”
Ông Phạm Đình Tuấn
PGĐ Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội
Điểm thi công cầu bắc qua sông Lừ trên tuyến đường Trường Chinh, tình trạng ùn tắc diễn ra triền miên và hầu như cả ngày. Nguyên do, mặt đường đến đoạn này thắt nút bởi công trường xây dựng cây cầu chỉ dài 30m nhưng kéo dài suốt 3 năm nay.
Dọc tuyến, tính từ phía trụ sở Quân chủng Phòng không Không quân ra hướng Ngã tư Vọng, chiều ngang mặt đường đã mở rộng 52 m, tới đây, đường đột ngột bị thắt lại còn 8,5 m do đơn vị thi công rào chắn để lấy mặt bằng thi công. Cây cầu này là điểm bị bẻ cong trên tuyến nên phương tiện giao thông qua đây càng chật vật.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - PGĐ Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, đại diện chủ đầu tư dự án mở rộng đường Trường Chinh cho hay:
Nguyên nhân ùn tắc tại điểm cầu sông Lừ do dự án vừa phải khai thác vừa thi công. Cụ thể, Ban QLDA và nhà thầu chọn biện pháp thi công cuốn chiếu từng đơn nguyên; đơn nguyên bên trái (tính theo hướng Ngã tư Sở về Ngã tư Vọng) đã xong gần 1 năm nay nhưng chưa thể lưu thông do một đơn vị quân đội gần đây chưa giao mặt bằng.
Do thúc ép tiến độ, dù chưa mở rộng cho phương tiện lưu thông trên phần cầu xây dựng xong, từ tháng 8/2015 đến nay, nhà thầu rào chắn thêm mặt đường để thi công làn cầu bên phải nên đã xảy ra ùn tắc. Ông Tường hứa, trong tháng 12 tới sẽ hoàn thành cầu này.
Ngoài cầu sông Lừ, hai đầu đường Trường Chinh, đặc biệt là phía gần Ngã tư Sở, công tác thi công hiện nay hầu như chưa được triển khai.
Ông Phạm Đình Tuấn, PGĐ Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết: Nguyên do công tác giải phóng mặt bằng vẫn ách tắc và thiếu nhà ở tái định cư cho hàng trăm hộ dân trên tuyến.
“Theo kế hoạch, quý 1/2016, UBND thành phố mới bố trí được nhà tái định cư cho dự án. Vì vậy, sớm nhất phải đến quý II/2016, đường Trường Chinh mới có thể xong và hết tắc” - Ông Tuấn nói.
Đền bù thấp?
Phương tiện ùn tắc tại số 120 đường Trường Chinh Hà Nội vào giờ cao điểm chiều ngày 12/11. Ảnh: Như ý
Nguyên nhân khiến các hộ dân và các cơ quan chức năng ở đây không tìm được tiếng nói chung là giá đền bù đất. Trong đơn thư gửi đến Tiền Phong, hàng chục hộ dân trên tuyến đường này cho hay:
Vào tháng 5/2015, UBND thành phố Hà Nội quyết định mức giá đền bù cho vị trí mặt đường Trường Chinh là 66,9 triệu đồng/m 2 , vị trí 2 là 36 triệu đồng/m 2 ... Trong khi, các hộ dân phản ánh, giá giao dịch thực tế cao gấp vài lần đối với vị trí mặt đường Trường Chinh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Thế Khôi - Trưởng ban Giải phóng mặt bằng quận Đống Đa cho hay: Với dự án đường Trường Chinh, UBND thành phố Hà Nội đang áp dụng bằng cách lấy giá đất do Nhà nước ban hành cộng với 1,6- 1,7 giá đất hiện hành và ra con số 66.9 triệu đồng/m 2 đối với mặt đường Trường Chinh.
Theo ông Khôi, mức giá này còn thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế, bởi “Đây là dự án phục vụ công cộng, không phải công trình doanh nghiệp giải phóng mặt bằng” - Ông Khôi nói.