Tăng giá nước có hợp lý?
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thủ đô.
Theo văn bản trên, UBNDTP Hà Nội giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đưa ra chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm, đảm bảo phù hợp với thực tế của Hà Nội.
Hiện, giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của TP, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013 - 2015. Mỗi năm, TP Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 là 15.929 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2015 đến nay.
Gia đình ông Bùi Văn Lộc Sinh trú tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước sinh hoạt nhiễm dầu thải. Ông cho rằng, người dân vừa trải qua đợt khủng hoảng nước ô nhiễm. Thành phố xem xét tăng giá nước thời điểm này là chưa hợp lý, khủng hoảng chồng khủng hoảng.
Theo ông Lộc, thay vì lên phương án tăng giá nước, các ngành chức năng cần tập trung vào việc rà soát chặt chẽ tất cả các khâu sản xuất nước sạch trước khi cung cấp cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Long - người dân khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cũng bày tỏ: “Thành phố Hà Nội trước mắt cần kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nhân dân sạch từ đầu vào, hạn chế tuyệt đối sự cố nước nhiễm bẩn…”.
Một góc cảnh hồ Đầm Bài (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). |
Rốt ráo đòi lại hồ Ðầm Bài
Sau sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu sạch trở lại, Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu Công ty Cổ phần Ðầu tư Nước sạch sông Ðà (Công ty Viwasupco) phải xây dựng hồ lắng riêng, kênh kín để bảo đảm nguồn nước sạch. Đồng thời, cũng yêu cầu Công ty
Viwasupco phải trả lại hồ Ðầm Bài. Chỉ đạo quyết liệt này của Tỉnh ủy Hòa Bình được dư luận đồng tình ủng hộ.
Cụ thể, tại buổi làm việc hôm 25/10 vừa qua, ông Bùi Văn Tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng, đây là sự cố rất nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Hà Nội. Nó cũng là bài học cho nhà máy xử lý cung cấp nước sạch về vấn đề đảm bảo an toàn nguồn nước.
Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình cần soát lại công tác bảo đảm an toàn nguồn nước đối với các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh. “Trước mắt cũng như về lâu dài, Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà cần phải đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy. Không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài cho sản xuất” – ông Bùi Văn Tỉnh nhấn mạnh.
Yêu cầu Công ty Viwasupco sớm xác định thời hạn cụ thể để trả hồ Đầm Bài cho tỉnh Hòa Bình quản lý, sử dụng đúng công năng. Khẩn trương xây dựng hệ thống ống dẫn nước thô kín khi đầu tư mở rộng nhà máy giai đoạn II, cũng như thay thế hệ thống kênh dẫn hiện tại bằng hệ thống ống dẫn kín.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, trong quá trình xây dựng Nhà máy Nước sạch sông Đà, Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà đã “mượn” hồ Đầm Bài để lấy nước nguồn xử lý, cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội.
Là địa phương quản lý hành chính quản lý trực tiếp tại hồ Đầm Bài, Chủ tịch UBND xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn) Nguyễn Trọng Lê cho rằng, việc thu hồi để hồ Đầm Bài để điều tiết phục vụ nước sản xuất nông nghiệp và thủy lợi là hoàn toàn đúng với mong muốn của nhân dân địa phương.
“Việc này UBND Phú Minh ý kiến rất nhiều lần trong các cuộc giao ban về an ninh vùng, bởi địa phương có hai đơn vị đóng trên địa bàn là Vườn Quốc gia Ba Vì và nhà máy nước sạch. Bản thân tôi không dưới hai lần ý kiến về vấn đề này.
Bởi đảm bảo nguồn nước cho nhà máy sản xuất là cả một vấn đề rất lớn, xã Phú Minh không thể đảm nhiệm hết được. Khi nguồn nước sông Đà vào đến Trạm bơm, nhà máy nước cần cống hóa, kênh kín đảm bảo được an ninh nguồn nước…”, ông Lê bày tỏ.