Lý do phía VIWACO đưa ra cho đợt tăng giá này là để tạo nguồn kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa và mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Phải thấy rằng, chủ trương tăng giá nước sạch trên địa bàn Hà Nội đã được trình HĐND thành phố và được thành phố cho phép, với mức điều chỉnh phù hợp, theo lộ trình 3 năm liên tiếp nhằm tránh sự đột biến trong việc tăng các chi phí sinh hoạt của người dân và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Thoạt nghe, việc điều chỉnh tăng hơn 20% so với biểu giá cũ là lớn, nhưng thực tế với mức tăng được thông báo, số tiền hằng tháng người dân phải trả thêm không nhiều, không tác động lớn tới đời sống sinh hoạt của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, với người dân khu vực ngoại thành thì đây lại là vấn đề lớn khi thu nhập của họ không cao. Còn với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nước theo giá kinh doanh, thì khoản tiền phải trả thêm sẽ không hề nhỏ.
Việc điều chỉnh mức giá nước sạch sẽ không có gì phải bàn cãi nếu nó tỷ lệ thuận với chất lượng nước sạch cung cấp cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc tăng giá nước sạch thời gian gần đây diễn ra trong bối cảnh hoạt động cung cấp nước sạch tại Hà Nội có không ít bất cập, khi đơn vị chủ quản chú trọng nhiều tới lợi nhuận, mà thiếu trách nhiệm với khách hàng. Vào thời điểm nắng nóng, người dân ở nhiều khu vực thuộc khu vực nội thành sống trong cảnh thiếu nước, mất nước kéo dài.
Rồi nữa, hệ thống dẫn nước sông Đà chỉ trong thời gian ngắn đã 13 lần bị vỡ, khiến hàng chục nghìn hộ dân phía tây Hà Nội khốn đốn vì không có nước dùng. Giá nước sinh hoạt tại Hà Nội tăng nhiều lần, nhưng chất lượng nguồn nước dường như không thay đổi.
Xung quanh vấn đề tăng giá một số loại hàng hóa đặc biệt (điện, nước) lâu nay để lại khá nhiều điều tiếng về sự thiếu minh bạch, biểu hiện của sự độc quyền.
Thực tế, vấn đề dư luận quan tâm không phải là lộ trình tăng giá các loại hàng hóa đó ra sao, mà ở chỗ có được thực hiện minh bạch hay không.
Việc giá nước sinh hoạt không được bóc tách rành mạnh, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn là kẽ hở gây thất thoát, tạo cơ hội cho những kẻ đục khoét.
Trong khi đó, việc giám sát thi hành pháp luật trong kinh doanh mặt hàng nói trên chưa được chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cách đây gần một năm, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch, đồng thời yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu đề án tổ chức quản lý theo hướng khép kín dịch vụ cấp nước; B
ộ Tài chính có trách nhiệm ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch làm cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành giá tiêu thụ nước sạch tại địa phương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người dân vẫn không thể biết rõ các yếu tố cấu thành giá đối với loại hàng hóa này.
Đã có nhiều điều tiếng về công tác quản lý đối với nguồn nước sạch bị buông lỏng. Đâu đó, đường ống bị vỡ để nguồn nước thất thoát rồi tính vào giá thành; việc lắp đồng hồ nước không bảo đảm chất lượng, tình trạng tùy tiện đục ống dẫn nước gây thiếu nước khu vực cuối nguồn vẫn xảy ra, nhưng chậm được ngành chủ quản khắc phục…
Sẽ là công bằng nếu ngành nước đi đôi với “lộ trình" tăng giá, cần có lộ trình cải tiến cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng nguồn nước; hơn là sự xoa dịu trước những bức xúc của dư luận.