Hà Nội dẫn đầu cả nước về dạy và học trực tuyến

GD&TĐ - Năm 2020 ngành GD-ĐT Thủ đô tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu. Đặc biệt, dẫn đầu cả nước về tổ chức dạy và học trực tuyến trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Khó khăn gấp đôi – cố gắng gấp ba

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (ngày 28/12), ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội cho biết, với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, năm 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

Về thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, Hà Nội đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19 trong cả 3 đợt. Đến nay đã có 133 ngày không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong.

Bên cạnh phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng 3,98%. Trong đó, quý IV với mức tăng 5,77%, quy mô nền kinh tế thành phố đã ở mức 44 tỷ USD.

Đến nay, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đã đạt 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế thành phố quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố có thể đạt trên 340 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” tổ chức ngày 27/6/2020 có sự tham gia của 540 doanh nghiệp và gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Tổng số dự án, số vốn được trao quyết định đầu tư tại hội nghị năm nay lần lượt cao tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị năm 2016...

Cùng với đó, trong 2020, Hà Nội có 26,44 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 337,69 nghìn tỷ đồng. Nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến nay đạt 303,65 nghìn đơn vị. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2020 ước đạt 420,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019.

Về giao thông, nhiều công trình quan trọng của thành phố đã hoàn thành, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Đó là các tuyến như đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên… 

Khẳng định vị thế của giáo dục

Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, năm 2020 ngành GD-ĐT Thủ đô tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu như vị thế đã có. Đặc biệt, dẫn đầu cả nước về tổ chức dạy và học trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19.

Ông Chu Ngọc Anh kiến nghị 3 vấn đề, mong Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện ủng hộ thành phố. Đó là định hướng điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thủ đô. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô 10 năm để chuẩn bị cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất và đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc xác định dự kiến, cơ cấu thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ báo cáo với Quố hội về một số bất cập trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quy hoạch Hà Nội 10 năm 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 liên quan đến bố trí vốn, thẩm định dự toán, lựa chọn tư vấn và phương án triển khai…

TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT có hướng cụ thể để bố trí vốn đối với dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 97 của Quốc hội thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP Hà Nội…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ