Vừa qua, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương Thuý (tầng 4, CT6A Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes do Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư) có ý định vay tiền ngân hàng nên vợ chồng chị đã gửi hồ sơ đề nghị đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (Sở TN&MT).
Tuy nhiên, mới đây, Văn phòng đăng ký đất đai có thông báo cho biết, tháng 1/2019 Sở TN&MT đã có quyết định về việc thu hồi vàhuỷ giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) mà Sở này đã cấp cho căn hộ trước đó. Do vậy, việc thực hiện đăng ký thế chấp tại ngân hàng là không đủ điều kiện giải quyết.
Tại thông báo này, Văn phòng đăng ký đất đai cũng cho hay sẽ lưu trữ toàn bộ hồ sơ cấp sổ đỏ căn hộ và sẽ thực hiện cấp ngay sổ đỏ sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chấp thuận đối với các tầng vượt so với quy hoạch, các tầng tự ý chuyển đổi công năng (tầng 2,3,4) và phần cầu nối giữatoà CT6A, CT6B.
Được biết, theo thiết kế, tầng 2, 3, 4 được sử dụng làm không gian dịch vụ trung tâm thương mại. Tuy nhiên, tầng 4 vẫn được xây dựng thành dạng nhà ở với 22 căn hộ và bán cho người dân từ năm 2013. Trước đó, các hộ dân này cũng đã được cấp sổ đỏ như các hộ dân ở tầng khác.
Nhiều hộ dân tại tầng 4,tòa CT6B chung cư Bemes, cũng nhận được thông báo tương tự khi mang giấy tờ đi công chứng quyền sở hữu nhà ở và tài sản.
Người dân cho biết rất bất ngờ trước quyết định thu hồi này. Khi mua căn hộ tại đây người dân không biết tầng 4 đổ xuống là khu thương mại không dành cho nhà ở.
“Hiện tại người dân muốn giao dịch mua bán, chuyển đổi đều rất khó khăn giờ chúng tôi không có gì chứng minh mình là chủ nhân của ngôi nhà này” – một cư dân tầng 4, toà CT6A cho biết.
Trao đổi với báo GD&TĐ, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cấp sổ đỏ rồi lại thu hồi sổ đỏ của người dân trong trường hợp trên cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của Sở TN&MT Hà Nội trong việc đánh giá nhìn nhận cũng như là khắc phục giải quyết hiện tượng bất cập này.
“Lẽ ra những sai phạm cần phải được xử lý ngay trong quá trình thực hiện dự án nhưng ở đây có sự làm ngơ để vi phạm xảy ra thậm chí là xảy ra trong thời gian dài sau đó mới đặt ra cái vấn đề giải quyết lại sai phạm đó, gây khó khăn cho người dân. Về lâu về dài, chúng ta không còn cách nào khác đó là buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch tại khu vực này để hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ cho người dân” – luật sư Tú nói.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đây là một bài học cảnh tỉnh trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai trên cả nước, hy vọng trong thời gian tới chúng ta không còn phải chứng kiến những sự việc như trên....