Điểm lại những dự án vi phạm của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, các dự án xây dựng của doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) liên tiếp được các cơ quan chức năng chỉ ra sai phạm như: tăng số tầng, tăng số căn hộ, thay đổi thiết kế ban đầu của dự án, thiếu nghiệm thu phòng cháy chữa cháy...

Tổ hợp 12 tòa chung cư HH cao từ 36 - 41 tầng ở khu đô thị Linh Đàm là điển hình về vi phạm mật độ dân số cao, quy hoạch... của Tập đoàn Mường Thanh.
Tổ hợp 12 tòa chung cư HH cao từ 36 - 41 tầng ở khu đô thị Linh Đàm là điển hình về vi phạm mật độ dân số cao, quy hoạch... của Tập đoàn Mường Thanh.

Mới đây, chiều 9/7, phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND cho biết, chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) là một trong những chung cư có số căn hộ vượt quá so với quy hoạch… Bởi vậy, các hộ dân ở đây chưa làm được sổ đỏ.

Chuyển cơ quan công an điều tra

Đầu năm 2019, trong danh sách những dự án chung cư, nhà cao tầng vi phạm trật tự xây dựng đang được TP. Hà Nội xem xét, chuyển sang Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) để làm rõ, có tới 8 dự án liên quan tới Tập đoàn Mường Thanh, tập trung 2 sai phạm lớn là xây dựng vượt tầng - phá vỡ quy hoạch được duyệt và có các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.

Cụ thể, trong phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP Hà Nội đang thực hiện 12 kết luận thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong số kết luận này có tổng cộng 25 công trình/dự án vi phạm trật tự xây dựng. Hiện tại thành phố đã xử lý xong 4 công trình/dự án, còn 21 công trình/dự án đang tiếp tục xử lý.

Dự án khu đô thị Đại Thanh sai phạm đã nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
 Dự án khu đô thị Đại Thanh sai phạm đã nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Trong số 21 công trình/dự án đang tiếp tục xử lý này có 10 công trình/dự án đang được chuyển sang cơ quan điều tra. Điều đáng nói, trong số 10 dự án này có tới 8 dự án liên quan tới Tập đoàn Mường Thanh, các sai phạm chủ yếu về quy hoạch, trật tự xây dựng và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Các dự án vi phạm như: dự án khu nhà ở Xa La (ở phường Phúc La, quận Hà Đông), dự án nhà ở Đại Thanh (ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì); dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5 (ở xã Tân Triều, Thanh Trì); dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại tại ô HH3 thuộc lô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Linh Đàm (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), dự án nhà ở VP3 và tổ hợp chung cư HH3, HH4 (ở khu Linh Đàm) và dự án nhà ở CT11, CT12 tại lô CT2 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ cũng nằm trong danh sách bị chuyển sang cơ quan điều tra.

Phát biểu tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội chiều 9/7, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND cho biết, chung cư HH Linh Đàm là một trong những chung cư có số căn hộ vượt quá so với quy hoạch. Từ việc chung cư HH Linh Đàm xây dựng vượt quy hoạch kể trên nên nhiều năm qua, các hộ dân đây chưa làm được sổ đỏ.

Cũng liên quan đến chung cư HH Linh Đàm, ông Chung cho biết, TP đang thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, đoàn giám sát Quốc hội, yêu cầu chủ đầu tư lắp thêm thang máy, lắp thêm hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Chưa xử lý dứt điểm, sai phạm mới đã phát sinh

Các sai phạm diễn ra tại các dự án trên trong nhiều năm gần đây, được nhiều cơ quan thanh tra chỉ ra, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Hàng ngàn người dân đã mua căn hộ tại các dự án xảy ra sai phạm không được cấp sổ đỏ vì Tập đoàn Mường Thanh chưa khắc phục triệt để các sai phạm. Nhưng hầu hết dự án công trình xây dựng của Mường Thanh có vi phạm trên địa bàn Hà Nội hiện đều đưa vào sử dụng với mật độ người dân sinh sống rất cao như: khu nhà ở Xa La, Linh Đàm, hay Kim Văn, Kim Lũ.

Đáng kể là sai phạm tại dự án khu đô thị Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) có quy mô 17ha, gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng.

Thanh tra Chính phủ đã làm rõ dự án Đại Thanh chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước nhưng đã khởi công xây dựng từ tháng 3-2012.

Và trong quá trình xây dựng có nhiều vi phạm nhất là việc chủ đầu tư đã ngang nhiên cho xây các tòa nhà chung cư lên đến 32 tầng. Và hàng chục các căn hộ tại tầng 32 này đã được bán cho cư dân vào sinh sống.

Các sai phạm cũng diễn ra từ nhiều năm qua tại các dự án khu nhà ở Xa La (209ha) xây thêm tầng, vi phạm mật độ xây dựng; nhà ở CT11, CT12 tại lô CT2 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (26,9ha); công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì xây sai quy hoạch. Các dự án đều đã có cư dân vào ở với mật độ rất đông nhưng những vi phạm vẫn chưa được xử lý.

Mới đây nhất, vào năm 2018, khi Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận số 39 về dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (quy mô 388ha), cơ quan này đã chỉ rõ vi phạm xây thêm diện tích tại tầng áp mái của 9 tòa chung cư thuộc các ô đất B1.4-HH01 và B1.4-HH02.

Chưa dừng lại ở đó, tại khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, Cơ quan an ninh điều tra đang điều tra việc Cienco 5 cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án. Trên thực tế, Cienco 5 Land chỉ là vỏ bọc khi Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - công ty con của Tập đoàn Mường Thanh - sở hữu đến 92,82% cổ phần tại Cienco 5 Land và là ông chủ thực của dự án Thanh Hà - Cienco 5.

Một góc khu đô thị Mường Thanh - Thanh Hà
 Một góc khu đô thị Mường Thanh - Thanh Hà

Trước nhiều dự án của Mường Thanh vi phạm pháp luật, Cơ quan an ninh vẫn đang tiến hành điều tra kịp thời xử lý các vi phạm mới phát sinh, giải quyết triệt để các vi phạm còn tồn tại theo đúng quy định của pháp luật.

Nhìn lại những đấu hiệu vi phạm hình sự

Năm 2017, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội 5/7, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết Công an Hà Nội đã nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tiếp nhận kết luận của Thanh tra Thành phố xử lý vụ việc liên quan đến tội trốn thuế và vi phạm các quy định về quản lý nhà ở của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch.

Vào đầu tháng 3/2017, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hà Nội. Qua đó kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra vụ việc xảy ra tại Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội.

“Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - PV) vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách nhà nước”- kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy dự án Đại Thanh được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho triển khai tháng 1/2010 là dự án phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006 của Chính phủ.

Theo kết luận thanh tra số 2386/KL-TTCP, khu đất xây dựng dự án Đại Thanh thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì có nguồn gốc là đất của Nhà nước cho Công ty Gốm xây dựng Đại Thanh thuê từ năm 2000, trả tiền hàng năm với mục đích sản xuất gạch ngói, thời gian thuê 20 năm, tổng diện tích gần 128.000 m2.

Ngày 30/10/2009, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 69/2009/HĐHTK với Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (gọi tắt là Công ty Hải Phát).

Đến ngày 6/5/2010 Công ty Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ký hợp đồng số 173/HĐ-HTĐT góp vốn thực hiện đầu tư kinh doanh dự án Đại Thanh, trong đó các bên uỷ quyền cho Công ty Hải Phát thay mặt các bên sử dụng pháp nhân đứng ra đàm phán với Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh để ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh số 69/2009/HĐHTK.

Ngày 26/7/2011, Công ty Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ký hợp đồng số 31/2011 với nội dung, Công ty Hải Phát chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên để đơn vị này đầu tư 100% vốn triển khai thực hiện dự án.

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng dự án và phát hiện đến hết tháng 3/2013 Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh chưa kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng dự án. Đến cuối tháng 12/2013, Công ty Hải Phát mới kê khai xác định số thuế phải nộp gần 1,4 tỷ đồng.

Về tiền thuê đất, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh đã không nộp tiền thuê đất, nợ tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp đến ngày 19/12/2013 tổng số tiền trên 35 tỷ đồng. Ngày 21/8/2013, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (kế thừa trách nhiệm các bên tham gia dự án) nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng, hiện đang để tại tài khoản tạm giữ của Chi cục Thuế huyện Thanh Trì.

Đầu năm 2010, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận cho Công ty Hải Phát nghiên cứu lập và thực hiện dự án Đại Thanh, trong đó có nội dung: “Nghiêm cấm việc huy động vốn để triển khai dự án không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức”.

Tuy nhiên khi kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện dự án Đại Thanh được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho triển khai tháng 1/2010 là dự án phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006 của Chính phủ. Trình tự, thủ tục của dự án đến nay mới có văn bản của UBND TP Hà Nội chấp thuận cho nghiên cứu lập và thực hiện.

Tại thời điểm Thanh tra Chính phủ thanh tra thì dự án đã hoàn thiện xong 6 khối nhà chung cư, các căn hộ liền kề, các biệt thự và đã bán hết cho các người mua.

“Theo quy định của pháp luật, dự án Đại Thanh còn tiếp tục phải thực hiện các thủ tục: phê duyệt dự án nhà ở, chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, nhận bàn giao đất ngoài thực địa, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước…

Các điều kiện này đến thời điểm thanh tra chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành. Tuy chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định nhưng Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vẫn triển khai thực hiện dự án. Tại thời điểm thanh tra dự án đã hoàn thiện xong 6 khối nhà chung cư, các căn hộ liền kề, các biệt thự và đã bán hết cho các người mua” - kết luận thanh tra chỉ rõ.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, các bên tham gia dự án gồm Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh, Công ty Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Vụ việc của dự án Đại Thanh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội; đối với các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước trong quá trình thực hiện dự án.

Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách nhà nước. Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ công an điều tra, xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự tại dự án này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.