13 điểm khai thác cát, sỏi trái phép
Trực tiếp đi khảo sát dọc tuyến đê hữu ngạn sông Hồng trong các ngày 11 - 13/12, Báo GD&TĐ thấy xe chở cát hoạt động cả ngày và đêm. Chị Đoàn Thị Lan – một phụ huynh học sinh ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, xe tải chở cát vẫn thường xuyên đi lại trên tuyến đê từ Bắc Từ Liêm hướng đi Đan Phượng, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây…
Cụ thể vào sáng 13/12 ghi nhận, rất nhiều xe tải che mờ biển kiểm soát trọng tải hàng chục tấn đi trên tuyến đê từ huyện Đan Phượng hướng về thị xã Sơn Tây… Chiều cùng ngày, xe tải cơi nới thùng trọng tải khoảng 40 - 50 tấn biển kiểm soát 29R–063.58 rẽ từ đường đê Đan Phượng chạy qua khu dân cư về Quốc lộ 32…
Liên quan đến hành vi nghi vấn chở cát, sỏi quá tải trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an huyện Đan Phượng) Đại úy Bùi Quang Thắng cho biết, chiếc xe BKS 29R-063.58 đã được đơn vị xử lý ít nhất 2 lần.
Theo Đại uý Thắng, trong năm 2020 đã xử lý 39 trường hợp xe tải vận chuyển cát trái phép phạt tiền 195 triệu đồng, trong đó tạm giữ 3 phương tiện, 8 giấy phép lái xe, 39 bộ giấy tờ… Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho 100% lái xe ký cam kết không vi phạm.
Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ số 1 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị được giao quản lý bảo đảm trật tự giao thông và trật tự xã hội trên 2 tuyến sông chính. Đó là tuyến sông Đà và sông Hồng. Chiều dài quản lý là 53 km đi qua địa bàn 41 xã, phường của 5 huyện, thị xã. Tuyến quản lý này đi qua nhiều mỏ cát được cấp phép khai thác. Cũng vì thế hoạt động khai thác trái phép diễn ra phức tạp tại đây…
“Trong năm 2020, đội Cảnh sát đường thuỷ số 1 đã trực tiếp bắt giữ 33 phương tiện khai thác cát trái phép. Tiếp nhận hồ sơ xử lý 2 trường hợp liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép. Phạt thành tiền gần 1,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, qua phối hợp đã kiểm tra xác định có 7 phương tiện hoạt động khai thác cát ngoài phạm vi mỏ được cấp phép của Công ty TNHH Cao Lâm (Phú Thọ) hoạt động trên địa bàn giáp ranh huyện Ba Vì với phường Bạch Hạch, thành phố Việt Trì (Phú Thọ)” – Thiếu tá Hoan nói.
Tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV (ngày 8/12), trả lời chất vấn về công tác khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn TP Hà Nội, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, hiện vẫn còn 13 điểm khai thác cát trái phép. Trong đó có các huyện như: Ba Vì, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm, Đông Anh…
Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có 14 giấy phép hoạt động trên sông Hồng. Trong đó, có 11 giấy phép do Ủy ban nhân dân thành phố cấp. Ngoài ra, có 8 tổ chức được cấp phép khai thác cát nổi trên sông Hồng. Thành phố có 207 bãi tập kết kinh doanh khoáng sản đang hoạt động. Trong đó, có 57 bãi có thủ tục hoạt động. 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động tại 15 quận, huyện, thị xã.
Đối với 13 điểm còn phức tạp về khai thác cát trái phép trên địa bàn, Phó Giám đốc Công an thành phố cam kết sẽ không để tiếp tục xảy ra. Công an thành phố tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng, các tỉnh lân cận trong công tác phòng chống khai thác cát trái phép.
Lộng hành tại các điểm giáp ranh
Theo Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ số 2 cho biết, đơn vị được phân công đảm nhận công tác tuần tra kiểm soát tại tuyến sông Hồng và sông Đuống. Trong đó tuyến sông Hồng với chiều dài khoảng 57 km chạy qua 26 xã, phường, thị trấn thuộc 7 quận, huyện… và một số địa bàn giáp danh với tỉnh Hưng Yên.
Theo Trung tá Tuân, dọc các tuyến sông Hồng và sông Đuống đơn vị luôn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Đồng thời tuyên truyền đến người dân sinh sống ven sông và các chủ tàu về phòng chống nạn “cát tặc”.
“Từ đầu năm 2020 đến nay, qua công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, Đội Cảnh sát đường thuỷ số 3 đã đã lập biên bản xử lý 3.444 trường hợp vi phạm luật giao thông đường thuỷ nội địa. Qua đó, xử phạt gần 1 tỷ đồng…”, Trung tá Tuân thông tin.
Còn Thượng tá Trần Quyết Thắng, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, các đối tượng khai thác cát thường lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh để khai thác. Khi xuồng của lực lượng chức năng đi tới thì thuyền của các đối tượng nhổ neo, bỏ chạy sang địa bàn tỉnh khác.
Đến nay, việc xác định địa bàn để xác định trách nhiệm còn khó khăn. Khi đối tượng sang địa bàn tỉnh khác, thẩm quyền điều tra không thuộc Công an thành phố Hà Nội. Chính vì thế, đơn vị đã chủ động ký cam kết với công an các tỉnh bạn chung tay phòng chống cát tặc trên cùng tuyến sông Hồng.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ các phương tiện khai thác cát trái phép. Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu để kiến nghị Sở Giao thông Vận tải về việc tăng cường xử lý phương tiện vi phạm đăng kiểm. Kiến nghị đến các sở, ban, ngành giải quyết các bến bãi không phép, quy hoạch tổng thể các bến sông.
Thời gian tới, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng các tỉnh giáp ranh trong việc đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép. Công an thành phố cũng đề nghị Thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an giải quyết kiểm tra những phương tiện vi phạm.