Hà Nội cần làm gì để đối phó với số ca tử vong do Covid-19 tăng?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác chống Covid-19 là điều quan trọng. Đồng thời, cần củng cố y tế cơ sở để giúp người mắc Covid-19 không chuyển nặng và tử vong.

F0 được khuyến cáo nghiêm chỉnh chấp hành quy định và phác đồ điều trị tại nhà.
F0 được khuyến cáo nghiêm chỉnh chấp hành quy định và phác đồ điều trị tại nhà.

Số ca Covid-19 tăng mạnh

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố vừa trải qua 10 ngày liên tiếp ghi nhận trên 1.500 ca Covid-19 trong vòng 24 giờ. Như vậy, Hà Nội là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước trong tuần qua. Cộng dồn đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 45.672 ca mắc.

Trong đó, ghi nhận 16.009 ca tại cộng đồng trên địa bàn thành phố; 24.025 ca tại các khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú; 5.227 ca tại khu phong tỏa, khu ổ dịch cũ; 198 ca nhập cảnh và 213 ca mắc tại các bệnh viện trước ngày 30/9. Đáng chú ý, số ca tử vong đã tăng thêm 34 người trong 7 ngày qua, bằng 45% tổng số ca tử vong trong 7 tháng trước đó.

Để chủ động giám sát phát hiện sớm biến thể Omicron, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC) đã lấy mẫu trên các bệnh nhân có kết quả RT- PCR dương tính, gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen. Kết quả cho thấy, 15/22 mẫu gửi đều thuộc biến thể Delta, chưa ghi nhận biến thể Omicron (7 mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gen).

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19, kiểm soát biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chủ động giám sát, quản lý những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.

Đặc biệt là những trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như tại Nam Châu Phi và một số nước ở châu Âu. Đồng thời, cần thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định.

Cũng theo Sở Y tế, cần thường xuyên theo dõi sát, cập nhật những thông tin khoa học và khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn y tế uy tín trong nước và quốc tế về biến thể Omicron. Đồng thời, cập nhật các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch, phương pháp điều trị. Từ đó, báo cáo, tham mưu cho thành phố triển khai phù hợp, kịp thời.

Đẩy mạnh việc chống dịch

Chia sẻ về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, hoạt động của các cấp chính quyền từ phường xã đến quận huyện có phần chủ quan, thiếu đốc thúc.

“Không khí phòng chống dịch trầm lắng, chỉ đến tối người dân mới thấy loa phóng thanh lưu động tuần tra. Covid-19 đâu chỉ lây lan vào ban đêm? Vậy, chúng ta hãy đẩy mạnh hơn nữa công tác chống dịch với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc””, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo GS Kính, biện pháp 5K thực chất là những công việc cụ thể để ngăn ngừa mỗi người nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện tại, không ít nơi xuất hiện tình trạng chủ quan, như các hàng quán ngồi chen chúc, không duy trì khoảng cách 2m. Thậm chí, nhiều người chủ quan không quét mã QR. Chuyên gia này cho rằng, tình trạng sử dụng chung điếu cày ở các quán nước chè vẫn tiếp diễn trong mùa dịch.

“Việc nâng cao sức đề kháng là yếu tố quan trọng vượt qua Covid-19. Việc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi thứ 3 sẽ được thực hiện như thế nào? Những công việc đó cần được lưu tâm lúc này. Những giải pháp nào cần được thực thi khi mà những giải pháp hiện thời tỏ ra không hiệu lực?”, GS.TS Nguyễn Văn Kính nhận định.

Chú ý 4 “không”

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch hội Huyết học truyền máu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương chia sẻ, những thông tin đáng lo ngại về dịch Covid-19 vẫn tiếp tục xuất hiện.

Đơn cử như thế giới trong ngày 28/12 đã ghi nhận số người nhiễm Covid-19 là trên 1,1 triệu người. Trong khi đó, Việt Nam mỗi ngày cũng có trên 15.000 người nhiễm. Riêng Hà Nội đã hơn 10 ngày có số người nhiễm đứng đầu cả nước. Đồng thời, phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Việt Nam.

Song, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, trong giai đoạn này, việc chống dịch Covid-19 nhằm đạt được 4 không: Cố gắng để không bị nhiễm virus SARS-CoV-2; Nếu nhiễm thì không để cho phát bệnh Covid-19; Nếu bị phát bệnh, không để cho bệnh chuyển thành thể nặng hoặc rất nặng; Nếu nặng thì không để bị tử vong do Covid-19.

“Trong 4 việc đó thì, cơ bản ở việc 4 là để cho cán bộ y tế ở các bệnh viện chữa Covid-19 xử lý. Việc 3 thì phải củng cố y tế cơ sở thật tốt, thật mạnh để họ làm. Việc 2 thì mỗi một người F0 và cả F1 cần chủ động phối hợp với y tế cơ sở. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và phác đồ điều trị tại nhà.

Đặc biệt chú ý đừng hoảng loạn, uống nhiều nước và ăn đầy đủ. Còn việc 1 thì chấp hành thật tốt 5K và tiêm chủng vắc-xin. Đặc biệt, chú ý tiêm cho người bị bệnh nền, sức đề kháng yếu, công việc đi lại, tiếp xúc nhiều…”, GS.TS Nguyễn Anh Trí khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.